Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói lời đau xót, nhận ra bài học đắt giá

Chiều nay (26/4), tại phiên tòa xét xử vụ Sabeco, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các bị cáo khác được quyền nói lời sau cùng.

Khi ông Vũ Huy Hoàng ngồi nói lời sau cùng, hai nhân viên y tế túc trực hai bên. Theo đó, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương xin HĐXX cho được có đôi lời đối đáp với quan điểm buộc tội của đại diện VKS.

Bị cáo cho rằng, những kết luận, phân tích của đại diện VKS chưa phù hợp với thực tế khách quan.

Cựu Bộ trưởng khẳng định, mình không có vai trò chủ mưu và đây không phải hành vi phạm tội có tổ chức. “Chủ mưu thì làm lợi cho ai, tư lợi như thế nào không có chứng cứ nào thể hiện”, cựu Bộ trưởng trình bày.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, việc thay thế nhà đầu tư đầu tiên xuất phát từ đề xuất của Sabeco, không phải từ chủ trương của Bộ.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. 

"Khi họ đề xuất lên, Vụ Công nghiệp nhẹ có hỏi ý kiến, tôi nói xem xét, nếu thấy phù hợp thì tạo điều kiện để Sabeco tháo gỡ khó khăn. Tôi chỉ tham gia để làm sao chọn được nhà đầu tư đủ năng lực. Tôi tham gia nhưng không lấn sân”, lời ông Hoàng.

Ông Vũ Huy Hoàng giải thích thêm về cáo buộc chủ trì cuộc họp 29/3/2016 để chốt giá bán cổ phần Sabeco rằng, cuộc họp này không phải chỉ bàn về vấn đề thoái vốn, mà còn bàn về việc thay đổi quy hoạch trụ sở Sabeco.

Với quan điểm buộc tội của VKS cho rằng, ông Hoàng có chỉ đạo xuyên suốt, cựu Bộ trưởng đối đáp: “Việc thoái vốn xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của Sabeco, để thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhưng tôi cũng chỉ dừng ở khâu chủ trương định hướng. Tôi không tham gia gì trong việc thực hiện chủ trương này”.

Trước ý kiến của đại diện VKS cho rằng, ông Vũ Huy Hoàng đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội, cựu Bộ Trưởng lấy ví dụ việc xảy ra ở Việt Nam.

Bị cáo trình bày: “Quy hoạch định hướng có thể thay đổi, nhất là thay đổi lãnh đạo. Quốc hội khóa 13 quyết định việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nhưng đến Quốc hội khóa 14 lại thấy việc này không phù hợp với tình hình thực tế nên đã dừng chủ trương.

Vậy thì người kế tiếp tôi khi thực hiện việc thoái vốn, người ta có quyền thay đổi, sao lại bảo tôi chỉ đạo xuyên suốt tất cả các vấn đề liên quan”.

Bài học đắt giá

Trình bày lời nói sau cùng, ông Vũ Huy Hoàng mượn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Quan trọng nhất là danh dự” để nói đến trường hợp của mình.

Theo trình bày của ông Hoàng, bị cáo sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng dự tòa vì muốn trình bày với HĐXX những gì mình làm đúng mà bị cáo buộc làm sai, để bảo vệ danh dự.

“40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị, tôi đã cố gắng hết sức hoàn thành công việc được giao, nhưng cũng không tránh khỏi những sai sót, sai phạm. Vụ án xảy ra là bài học đắt giá, tôi đã nhận trách nhiệm với những việc tôi làm.

Tôi mong được xem xét khách quan, toàn diện, đúng người đúng tội..., để HĐXX có những phán quyết giúp tôi vừa nhận ra sai phạm, lỗi lầm của mình, vừa tạo điều kiện để quãng thời gian còn lại tôi có thể cố gắng sống tốt hơn”, lời sau cùng của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Được quyền nói lời sau cùng, các bị cáo khác mong được xem xét tình tiết giảm nhẹ, hưởng lượng khoan hồng.

HĐXX nghỉ nghị án và sẽ tuyên án vào 14h30 ngày 29/4.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.