Xét tuyển sớm có bảo đảm chất lượng?

GD&TĐ - Xét tuyển sớm thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2024 của Đại học Bách Khoa. Ảnh: INT
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2024 của Đại học Bách Khoa. Ảnh: INT

Tuy nhiên, cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt và phương thức xét tuyển sớm để bảo đảm chất lượng và công bằng với thí sinh.

Có chênh lệch?

Trường ĐH Công Thương TPHCM thực hiện xếp loại tốt nghiệp đại học đối với sinh viên giai đoạn 2019 - 2023; trong đó có đối sánh kết quả sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ THPT.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, kết quả sinh viên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ sinh viên xuất sắc là 0,21%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là 6,56%; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá là 69,24% và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trung bình là 23,98%. Với sinh viên xét tuyển bằng học bạ THPT, kết quả có 0,24% xếp loại xuất sắc, 5,44% loại giỏi, 65,12% loại khá và 29,2% loại trung bình.

“Từ kết quả trên cho thấy, kết quả học tập của thí sinh xét bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương thí sinh xét bằng phương thức học bạ”, TS Thái Doãn Thanh nhìn nhận và cho biết, năm 2022, 2023, tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên xét theo phương thức học bạ gần tiệm cận với tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên xét phương thức điểm THPT. Cụ thể, mức điểm trúng tuyển hằng năm bằng điểm học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 là từ 22 - 27 điểm, còn mức điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 18 - 25 điểm.

Theo TS Thái Doãn Thanh, cần hiểu tường minh rằng, xét tuyển sớm là phương thức không sử dụng điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, trường đại học thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển (trúng tuyển có điều kiện) trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm: Xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, một số kỳ thi độc lập, xét tuyển kết hợp, ưu tiên xét tuyển... Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.

Trong số các phương thức nêu trên, nhiều người băn khoăn về chất lượng đầu vào với phương thức xét học bạ THPT. Tuy nhiên, dù là phương thức nào cũng cần có điều kiện, thậm chí là tiêu chí phụ. Vì thế, không phải thí sinh nào nộp hồ sơ cũng trúng tuyển. “Ở Trường ĐH Công Thương, chất lượng sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm và điểm tốt nghiệp THPT không có sự chênh lệch đáng kể”, TS Thái Doãn Thanh khẳng định.

Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sáng 17/3. Ảnh: TG

Hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội, sáng 17/3. Ảnh: TG

Cân nhắc áp dụng

Trước năm 2023, hầu hết thí sinh trúng tuyển bằng xét tuyển sớm đều xác định nhập học và trở thành sinh viên, TS Thái Doãn Thanh nhìn nhận. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu: Các cơ sở đào tạo phải xét tuyển tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh và đưa lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống), kể cả trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm.

Bộ cũng yêu cầu, không được quy định hoặc yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên Hệ thống mới được trúng tuyển; tuyệt đối không được xét tuyển lại (tăng hoặc giảm mức điểm trúng tuyển) để loại bớt hoặc tăng thêm thí sinh.

Sau khi có quy định trên, số thí sinh trúng tuyển sớm xác nhận nhập học có sự dịch chuyển theo chiều hướng giảm hơn so với trước đây. “Kết quả đối sánh chất lượng sinh viên, có vênh nhỏ (không đáng kể). Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm là hơn 375.500. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo) là trên 147.300 em. Số liệu này khiến nhiều người đặt câu hỏi và có phần nghi ngại về các phương thức xét tuyển sớm”, TS Thái Doãn Thanh nêu vấn đề.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023 số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm là 214/322 trường. Số thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm là hơn 375.500. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm là 1,2 triệu. Số thí sinh trúng tuyển sớm sau lọc ảo là hơn 301.800. Số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (trúng tuyển sau lọc ảo) là trên 147.300 em.

Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả tuyển sinh ở các phương thức như sau: Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy: 2,57%; xét kết quả học tập bậc THPT: 30,24%; kết quả thi tốt nghiệp THPT: 49,45%. Xét tuyển thẳng theo Đề án của cơ sở đào tạo: 2,32%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) là: 12,1%.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, xét tuyển sớm, trong đó có phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT nhận được sự quan tâm của thí sinh và được nhiều cơ sở đào tạo áp dụng. Tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình, thể hiện năng lực học tập trong thời gian dài của thí sinh. Khi trở thành sinh viên, các em tiếp tục được bồi dưỡng và phát triển năng lực chuyên môn nên chất lượng không đáng quan ngại.

Tuy nhiên, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) khuyên thí sinh cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển sớm. Những năm trước, nhiều thí sinh nhận thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nên có tâm lý chủ quan, lơ là học tập dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT không tốt, thậm chí trượt tốt nghiệp; trong khi một trong những điều kiện tiên quyết để chính thức trúng tuyển đại học là phải tốt nghiệp THPT.

Việc xét tuyển sớm phụ thuộc các trường đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển và phương thức xét tuyển sớm. Những trường quan tâm đến chất lượng với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại nhiều hiệu quả, mà khó đảm bảo sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể bỏ lỡ thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trên Hệ thống.

Các trường cần đánh giá, đối sánh, phân tích tương quan kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển. Từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh và phù hợp với các đặc trưng riêng. Đặc biệt, các trường nên loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả, có thể gây khó khăn, rắc rối với thí sinh. Cơ sở đào tạo cần ưu tiên phương án xét tuyển bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên Hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký mới hợp lệ. Hệ thống này chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh cần cập nhật lên Hệ thống tất cả dữ liệu có thể để phục vụ cho việc xét tuyển như: Điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành.

Tuyển sinh đại học năm 2024, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành/trường, không cần đăng ký theo phương thức, tổ hợp xét tuyển. Dự kiến, từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.