Xét tốt nghiệp THPT: Chú trọng cả quá trình học tập

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của HS.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Việc Bộ GD&ĐT đưa dự kiến thay đổi cách xét tốt nghiệp THPT, trong đó tăng trọng số đối với điểm học tập ở 3 năm THPT được nhiều ý kiến nhận định là phù hợp, đặc biệt tiếp cận từ góc độ khoa học đánh giá trong giáo dục.

Thay đổi cần thiết

Theo thầy Phan Trọng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre), cách xét tốt nghiệp THPT như hiện nay sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập lớp 12 với tỷ lệ 30% và kết quả thi tốt nghiệp THPT 70% (trong đó có cộng điểm nghề phổ thông). Hạn chế của việc này là chỉ đánh giá quá trình học tập lớp 12 của học sinh; quá chú trọng vào kết quả của một kỳ thi, trong khi quá trình học tập là lâu dài và liên tục.

Bộ GD&ĐT dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% nhằm đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố. Thầy Phan Trọng Hải cho rằng, cách xét này phù hợp, giúp đánh giá năng lực toàn diện học sinh trong 3 năm THPT và học sinh phải nỗ lực học tập trong suốt thời gian này.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Ngoại ngữ, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cũng nhận thấy cách xét công nhận tốt nghiệp THPT như quy định hiện hành có một số bất cập, hạn chế. Lý do, đánh giá học sinh là cả quá trình suốt 3 năm học, không chỉ lớp 12. Để kết quả học tập lớp 12 cao, các em cần nỗ lực ngay từ lớp 10.

Bởi vậy, thay đổi cách xét tốt nghiệp như dự kiến của Bộ GD&ĐT hoàn toàn hợp lý. Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ tăng độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT; các trường đại học yên tâm sử dụng điểm thi tốt nghiệp làm căn cứ xét tuyển, giảm hẳn việc xét tuyển bằng học bạ.

Điều này đồng thời hạn chế được việc học sinh thi 29, 30 điểm vẫn không đỗ đại học nguyện vọng 1; giảm áp lực khi học sinh không phải lo để đáp ứng quá nhiều phương thức xét tuyển. “Tôi cho rằng, việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ góp phần hạn chế bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa các phương thức xét tuyển như hiện nay”, cô Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.

Thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế thì cho rằng: Quy định hiện hành lấy 30% kết quả học tập và chỉ ở lớp 12 trong xét tốt nghiệp THPT, không tính đến kết quả học tập ở lớp 10, 11 nên chưa ghi nhận, đánh giá được toàn diện học sinh trong 3 năm học. Vẫn có trường hợp học tủ để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp. Do đó, dự kiến của Bộ GD&ĐT sử dụng điểm cả 3 năm THPT, đồng thời tăng trọng số lên 50% là phù hợp với việc dạy và học, tổ chức đánh giá theo Chương trình GDPT 2018.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) nhìn nhận, dự kiến thay đổi cách xét tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT rất hợp lý, đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh toàn cấp, tránh việc chỉ chú trọng vào 4 môn sẽ thi tốt nghiệp. Sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 đồng thời thuận lợi cho giáo viên giảng dạy ở các môn học, hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình. Học sinh phải xác định duy trì sự nỗ lực, cố gắng trong cả 3 năm học, không chỉ dồn vào năm lớp 12.

Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) đánh giá phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ được đa số đồng tình ủng hộ, đặc biệt với những vùng cao, sâu, xa, còn nhiều khó khăn. Ưu điểm phương án này là giảm áp lực cho cả thầy và trò. Học sinh phải tập trung học ngay từ lớp 10 mà không chờ đến lớp 12 mới học, giảm thiểu học lệch.

xet tot nghiep THPT2.JPG
Ảnh minh họa ITN.

Tăng độ phân hóa đề thi

Tiếp cận từ góc độ khoa học đánh giá trong giáo dục, ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh cần xem xét cả quá trình học tập, không nên đánh giá học sinh chỉ qua một bài thi hay một kỳ thi. Chính vì vậy, ThS Nguyễn Vinh San bày tỏ đồng tình với dự thảo của Bộ GD&ĐT trong việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (thay vì 30% của lớp 12 như quy chế hiện hành). Việc xem xét kết quả học tập ở cả cấp THPT cũng giúp người học chuyên tâm học tập và duy trì phong độ suốt thời gian ở THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu để xác định mức độ đạt chuẩn của học sinh sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông. Vì vậy, đề thi thường không quá khó; khó sử dụng tốt kết quả thi này cho các mục đích khác như xét tuyển đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, kỳ thi này thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục. Vì vậy, lấy tỷ lệ 50% điểm thi và 50% điểm quá trình học tập ở THPT là mức tối đa có thể lựa chọn nếu như không muốn làm mất đi ý nghĩa của kỳ thi.

Việc tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học tập ở bậc phổ thông, theo ThS Nguyễn Vinh San, cũng giúp Bộ GD&ĐT có thể tăng “độ khó” của đề thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo ra “độ phân biệt” cũng như “độ phân hóa” thí sinh của đề thi.

Điều này giúp các trường đại học, cao đẳng có thể yên tâm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đầu vào, đặc biệt ở các trường “tốp trên”. Từ đó, tăng tỷ lệ các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trong xét tuyển đại học, cao đẳng và giảm các phương thức xét tuyển khác được xem là bất công bằng trong thời gian qua, tạo công bằng cho thí sinh và giảm tốn kém cho xã hội.

Theo phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học và Công nghệ). Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến diễn ra ngày 26 - 27/6/2025 với 3 buổi thi. Trong đó, 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán, 1 buổi thi 2 môn tự chọn trong số các môn học ở lớp 12 (gọi tắt là tổ hợp tự chọn).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ