Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển trực tuyến: Lợi đôi đường

GD&TĐ - Một trong những điểm mới dự kiến được điều chỉnh trong năm nay là, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học bằng phương thức trực tuyến.

Thí sinh lựa chọn ngành học qua phương thức ứng dụng công nghệ trực tuyến tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh minh họa
Thí sinh lựa chọn ngành học qua phương thức ứng dụng công nghệ trực tuyến tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Ảnh minh họa

Tất cả nguyện vọng xét tuyển (đợt 1) sẽ được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Giải pháp đột phá

“Chúng em có thể đăng ký ở mọi lúc, mọi nơi miễn là có thiết bị máy tính kết nối Internet. Điều này, đồng nghĩa với việc chúng em sẽ chủ động và trách nhiệm hơn, không bị phụ thuộc vào khung giờ nhất định như đăng ký bằng phiếu trực tiếp. Ngoài ra, sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, chúng em sẽ “lượng được sức mình” để đăng ký xét tuyển vào những ngành học, trường học phù hợp. Ở khía cạnh khác, các trường đại học cũng giảm được lượng thí sinh ảo. Nói chung là “nhất cử lưỡng tiện” - Hương Giang bộc bạch.

Là học sinh lớp 12, Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang), Tạ Hương Giang hào hứng với nội dung: Thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học bằng phương thức trực tuyến.

Bày tỏ tâm đắc với chủ trương thí sinh sẽ đăng ký tất cả nguyện vọng xét tuyển sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Lê Thị Thu Hiền - giáo viên Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang) đề nghị Bộ GD&ĐT “chốt” ngay phương án này.

Cô phân tích, thời gian này không nên để học sinh bị phân tán bởi việc chọn ngành, chọn trường. Thay vào đó, các em cần dành thời gian để chuyên tâm vào học tập và ôn thi thật tốt. Hơn nữa, sau khi thi xong, học sinh phần nào đã dự đoán được ngưỡng điểm của mình nên việc đăng ký chọn ngành, chọn trường sẽ chuẩn xác hơn, tránh phải “thay đi, đổi lại” mất thời gian.

Hơn 13 năm đứng trên bục giảng, cô Hiền nhận thấy: Đây là lần điều chỉnh hợp lý nhất tính đến thời điểm này. Vì thế, cô mong muốn nội dung này sớm được cụ thể hóa trong Quy chế tuyển sinh năm nay. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký thi, xét tuyển theo cô Hiền, đây là bước đột phá, giúp cho kỳ thi cũng như công tác tuyển sinh nhẹ nhàng và thuận tiện hơn.

Một lớp học của Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận). Ảnh: NVCC
Một lớp học của Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận). Ảnh: NVCC

Giải phóng nhân lực và sức người

Theo cô Hiền, sau 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, các trường THPT đều thích ứng linh hoạt với phương thức dạy - học trực tuyến. Vì thế, hầu hết học sinh đều có thiết bị để có thể tham gia học online. Theo đó, thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký trực tuyến, không nhất thiết phải đến trường đăng ký trên phiếu giấy. “Giả sử, những học sinh chưa có điều kiện mua điện thoại thông minh hoặc máy tính, iPad, các em có thể lên trường để được hỗ trợ. Tôi tin, trường THPT nào cũng có ít nhất 10 máy tính được kết nối Internet. Ở đó, các em sẽ được thầy, cô giáo hướng dẫn nên không lo mất quyền lợi”, cô Hiền nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Phương Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang) - khẳng định: Nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất và hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong việc đăng ký thi và xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến. Hiện, trường có 2 phòng thực hành tin học, với khoảng 50 máy tính được kết nối Internet tốc độ cao và ổn định.

Ngoài ra, thời gian qua, nhà trường cũng bổ sung, mua mới nhiều thiết bị thông minh để phục vụ dạy học trực tuyến và đáp ứng với mô hình lớp học “2 trong 1”, đó là chưa kể toàn bộ giáo viên của trường đều có thiết bị máy tính và điện thoại thông minh. “Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ huy động tổng lực để học sinh đăng ký thi và xét tuyển đại học, nên chắc chắn sẽ không có em nào bị bỏ lại phía sau” – cô Lan nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ: Chủ trương cho thí sinh đăng ký hoàn toàn bằng trực tuyến là “hợp lòng dân”, được giáo viên hoan nghênh và học sinh đón nhận.

Một giờ lên lớp của cô Lê Thị Thu Hiền. Ảnh: NVCC
Một giờ lên lớp của cô Lê Thị Thu Hiền. Ảnh: NVCC

Theo cô Lan, thực hiện theo phương án trên sẽ giúp giải phóng nhân lực và sức lao động của cán bộ giáo viên. Chẳng hạn, trước đây, toàn bộ giáo viên chủ nhiệm lớp 12 phải trực tiếp hướng dẫn học sinh đăng ký; đấy là chưa kể đến ban giám hiệu và các đoàn thể trong trường cùng “xắn tay áo” vào việc. “Năm nay, trước mắt, chúng tôi cử một giáo viên hỗ trợ học sinh trong việc đăng ký thi và xét tuyển đại học”, cô Lan chia sẻ.

Khẳng định, việc tổ chức cho thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học bằng phương thức trực tuyến là phù hợp với xu thế và sẽ không có gì trở ngại, thầy Lê Quang Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) - chứng minh: Đầu năm học 2021 – 2022, nhà trường tiến hành khảo sát tất cả học sinh về thiết bị để dạy - học trực tuyến. Kết quả cho thấy, 100% học sinh trong trường đều có máy tính, điện thoại thông minh để học online.

“Như vậy, nếu việc đăng ký thi và xét tuyển bằng hình thức trực tuyến sẽ không làm khó học sinh của trường. Ngoài ra, nhà trường có 50 máy tính đã kết nối mạng ổn định, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh bất cứ lúc nào. Trước mắt, chúng tôi cử giáo viên tin học sẽ đồng hành cùng học sinh lớp 12 trong thời gian các em đăng ký thi và xét tuyển đại học” – thầy Trọng cho hay, đồng thời tán thành với phương án thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sau khi thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Lê Thị Thu Hiền, là một trong những trường vùng khó của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), nhưng học sinh Trường THPT Xuân Vân đều có thiết bị để học trực tuyến. Ngoài ra, trên trường cũng có phòng máy tính được kết nối Internet. Mặt khác, hầu hết giáo viên trong trường cũng có máy tính cá nhân. Đây là lý do để chúng ta hoàn toàn yên tâm và không lo học sinh miền núi gặp khó khăn nếu áp dụng phương án đăng ký thi, xét tuyển trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ