Xếp hạng trường đại học không nói lên tất cả

Xếp hạng trường đại học không nói lên tất cả

(GD&TĐ) - Đại học Hong Kong (HKU) quảng bá “chúng tôi ở trong nhóm những trường đại học hàng đầu thế giới” trên trang mạng của trường – đứng thứ nhất tại Hong Kong, đứng thứ nhất tại châu Á và thứ 23 trên thế giới – theo bảng xếp hạng các trường đại học toàn cầu mà trường này trích dẫn.

Xếp hạng – nếu như ở thứ bậc cao – đương nhiên được các trường tận dụng quảng bá thương hiệu. Bảng xếp hạng được nhiều trường trên thế giới sử dụng làm “át chủ bài” thu hút những sinh viên và giảng viên xuất sắc nhất cũng như gây quĩ nghiên cứu và xây dựng hạ tầng mới.

Thứ hạng quốc tế cao là “át chủ bài” quảng bá của Đại học Hong Kong
Thứ hạng quốc tế cao là “át chủ bài” quảng bá của Đại học Hong Kong

Sinh viên và phụ huynh Hong Kong càng đặc biệt yêu thích “thứ hạng”, họ luôn muốn được coi là “nhất”. Tại một triển lãm đại học của Hội đồng Anh tại Hong Kong gần đây, các trường đại học thuộc hạng thấp than vãn rằng câu hỏi đầu tiên họ nhận được từ những bạn trẻ tìm hiểu thông tin tuyển sinh là thứ hạng của trường, thậm chí với cả những bạn trẻ có học lực hạn chế chỉ có thể vào học những trường tốp đáy bảng xếp hạng.

Theo học một trường đại học hàng đầu được mặc định như chiếc chìa khóa tới sự nghiệp và viễn cảnh thành công, tuy nhiên nếu nhìn toàn diện vấn đề thì sự thực không phải như vậy.

Các trường đại học thường chỉ giới thiệu về thứ hạng của họ một cách chung chung mà không đề cập cụ thể tới những tiêu chí nào tạo nên thứ hạng đó, trong khi phụ huynh thường rất ít lưu tâm tới vấn đề này.

Các tổ chức xếp hạng sử dụng các bộ tiêu chí khác nhau để tính điểm xếp hạng. Xếp hạng các trường ĐH thế giới của ĐH Jiao Tong Thượng Hải chọn tiêu chí “đinh” là số người đoạt giải Nobel của một trường…; Xếp hạng US News National University thì chọn tiêu chí giải thưởng khoa học của cựu sinh viên trường…

Đây là lí do dẫn tới vị trí thứ hạng rất khác nhau giữa các bảng xếp hạng quốc tế. Ví dụ HKU xếp thứ 35 trong bảng xếp hạng gần đây nhất của Times Higher so với thứ hạng 23 trong bảng xếp hạng QS. Theo xếp hạng World Reputation Rankings mới công bố tháng này thì HKU xếp thứ 36 thế giới. Theo Phil Baty, biên tập viên xếp hạng, thì thứ hạng “dựa vào không ngoài gì khác hơn đánh giá chủ quan”.

Mối quan tâm thực sự là ảnh hưởng của sức ép xếp hạng đối với các trường. Ví dụ nếu để có điểm cao cho tiêu chí xếp hạng quốc tế, nhà trường sẽ phải tập trung nguồn lực “ghi điểm” như tăng đầu tư cho công bố các công trình khoa học sử dụng Anh ngữ… trong khi giảm các công trình nghiên cứu theo nhu cầu địa phương. Nói cách khác là việc đua chen vào bảng xếp hạng sẽ đẩy trường đi xa khỏi vai trò quan trọng là đáp ứng nhu cầu giáo dục tại địa phương.

Một số hệ thống xếp hạng đại học quốc tế uy tín:

1. ARWU (Trung Quốc), ra đời năm 2003;

2. QS World, trước đây thường được gọi là THES hoặc THE-QS, ra đời năm 2004 tại Anh Quốc;

3. Webometrics, chuyên xếp hạng trang web của các trường đại học, ra đời năm 2004 tại Tây Ban Nha;

4. QS Asia, dành riêng cho khu vực châu Á dựa trên hệ thống xếp hạng toàn cầu của QS, ra đời năm 2009;

5. THE, tách ra từ nhóm THE-QS và kết hợp với Thomson Reuters thành một hệ thống riêng, ra đời năm 2010 tại Anh Quốc.

Bảo Chi (Tổng hợp) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ