Trong bối cảnh công nghệ phát triển, Ấn Độ phải đối mặt với thử thách lớn khi hàng triệu học sinh chưa được tiếp cận công nghệ cao và chưa thành thạo kỹ thuật số. Điều này tạo nên một thế hệ lao động không đáp ứng nhu cầu thị trường với các ngành công nghệ mới.
Các nhà phân tích cho biết nỗ lực thúc đẩy giảng dạy theo định hướng công nghệ nhiều hơn của Ấn Độ đang bị cản trở bởi khoảng cách kỹ thuật số lớn. Chỉ một phần nhỏ trường học trên toàn quốc được trang bị máy tính, khiến hàng triệu học sinh không được tiếp cận công nghệ. Trong tương lai, các em sẽ không đáp ứng được yêu cầu tuyển chọn trên thị trường lao động chú trọng công nghệ cao.
Cụ thể, chỉ có 32,4% trong số 1,47 triệu trường học ở Ấn Độ có quyền truy cập vào máy tính. Khoảng 60% trường tư thục có máy tính để bàn và lớp học thông minh, trong khi chỉ có 21,4% trường công lập được trang bị các thiết bị này. Điều này tạo ra một khoảng cách lớn giữa các học sinh ở các vùng giàu và nghèo, cũng như giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Một cuộc khảo sát gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ cho thấy chỉ có chưa đến một phần ba người trẻ trong độ tuổi 15 – 29 có khả năng thực hiện các thao tác cơ bản trên Internet như tìm kiếm thông tin, gửi email và thực hiện giao dịch trực tuyến. Đặc biệt, nam giới ở thành thị có kỹ năng số cao hơn nhiều so với phụ nữ ở nông thôn, nơi chỉ 14,5% phụ nữ sở hữu kỹ năng cơ bản về công nghệ.
Ông Supriyo Chaudhuri, Tổng Giám đốc điều hành của công ty e1133, nhấn mạnh: “Tình trạng phân bổ không đều này không chỉ tồn tại giữa các tiểu bang giàu và nghèo, mà còn giữa các thành phố lớn và vùng nông thôn. Việc thiếu cơ sở hạ tầng Internet, đặc biệt là ở các vùng xa xôi như Manipur, càng làm trầm trọng thêm vấn đề”.
Chính phủ Ấn Độ đã nhận thức rõ về tình hình này và đưa ra nhiều biện pháp để cải cách giáo dục. Năm 2020, chính phủ đã thông qua Chính sách Giáo dục Quốc gia, trong đó giảng dạy các môn học như mã hóa phần mềm từ lớp 6.
Đây là bước đi quan trọng nhằm giúp học sinh nắm bắt các kỹ năng thời đại mới. Tuy nhiên, vấn đề lớn vẫn là sự thiếu hụt về nhân lực có trình độ để giảng dạy những kỹ năng này, cũng như thiếu chất lượng giảng dạy trong nhiều trường học.
Mặc dù Ấn Độ có cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, điều này đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, cải thiện chất lượng giảng dạy và đào tạo giáo viên, cùng với việc giảm thiểu sự phân biệt giới tính và giữa các vùng miền.
Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, Ấn Độ mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của lực lượng lao động trẻ, chuẩn bị cho một tương lai công nghệ đầy thách thức và cơ hội.
Bà Devangana Mishra, người sáng lập tổ chức giáo dục Brain Bristle, cho biết: “Nhiều trường học ở khu vực thu nhập thấp đang sử dụng các thiết bị công nghệ một cách hạn chế và không được đào tạo đúng cách. Học sinh chỉ được học các kỹ năng công nghệ cơ bản, không có cơ hội phát triển các kỹ năng sâu hơn”.