Từ đầu tháng 10 cho đến trung tuần tháng 11/2020, tại Sảnh triển lãm Viện Pháp tại Huế diễn ra triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố”. Đây là lần đầu, một triển lãm sắp đặt công phu về Hà Nội xưa với gánh hàng rong và những tiếng rao đến với công chúng cố đô.
Xem hàng rong xưa
Lần đầu tiên tại Huế, nhưng từ tháng 9/2019 triển lãm cùng tên đã diễn ra tại Hà Nội. Cách sắp đặt linh hoạt, cùng với hệ âm thanh ánh sáng soi chiếu nghệ thuật đã đem đến cho người xem góc nhìn độc đáo, mới lạ về gánh hàng rong xưa một cách đầy ấn tượng.
Như ông Thierry Vergon - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp (L"Espace) đã nói: Để có được triển lãm, ê kíp thực hiện đã mất rất nhiều thời gian để thực hiện dự án đầy chất nghệ thuật sắp đặt.
Sắp đặt nhưng như thật với bầu không khí của Hà Nội trong những năm đầu của thế kỷ XX. Những bức vẽ tại triển lãm được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1925 - 1929.
Bộ tranh mang đầy tính thẩm mỹ đã tái hiện thế giới nhỏ bé của những gánh hàng rong trên đường phố Thủ đô. Bên cạnh đó, một phần của triển lãm được thực hiện bằng những hộp đèn cùng những âm thanh từ tiếng rao, tiếng chim hót cùng thanh âm của cuộc sống thường ngày.
Những bức ảnh được giới thiệu trong triển lãm cả ở Hà Nội và Huế đều thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp. Trong số 100 nghìn bức ảnh quý giá thì có khoảng hơn 10 nghìn bức chụp về gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội.
Từ những bức ảnh đó, theo một cách tài tình đi vào tranh vẽ với màu nước bởi 15 sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương và người thầy nổi tiếng Ferdinand de Fénis. Các nghệ sĩ khắc họa rất thật thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố. Dưới tia nắng đầu tiên trong ngày, những gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt hiện ra như một thước phim tua lại.
“Những bức vẽ bằng màu và màu nước không chỉ đem đến cho người xem góc nhìn mới lạ về gánh hàng rong mà còn có cả những âm thanh vô cùng quen thuộc - những tiếng rao trên đường phố Hà Nội. Đặc biệt, khi nhìn vào những bức tranh, người xem có thể cảm nhận được sự chuyển động ở trong đó”, ông Oliver Tesier - Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp khẳng định.
Qua các bức tranh, người xem sẽ được nhìn ngắm khung cảnh sống động đường phố xưa, đôi khi chỉ với một vài đường nét phác thảo giản đơn. Dù đó là chuyển động đung đưa để giữ gánh hàng thăng bằng hay dáng nghiêng nghiêng của người bán hàng khi lấy kem cho hai đứa trẻ đang nóng lòng chờ đợi.
Nghe tiếng rao cũ
Điểm độc đáo của những bức vẽ, theo giới chuyên môn là nằm ở việc miêu tả đầy hấp dẫn về những món ăn được bày bán khắp các góc phố. Đồng thời, việc nắm bắt nhạc tính trong tiếng rao của người bán khi mời gọi khách hàng cũng được khai thác triệt để.
Bộ sưu tập từ các bức ảnh đen trắng được tôn vinh qua sự sắp đặt hài hoà mang tính tương tác cao. Hộp đèn và cả những bức tranh được trình chiếu cộng hưởng với âm thanh từ những tiếng rao nhịp nhàng của người bán hàng rong đã đánh thức ký ức xưa cũ.
Người xem như được sống lại không khí của thời ấy, khi băng qua chiếc cầu thời gian được kết nối từ 27 bức ảnh đen trắng. Người bán rong trong các bức ảnh chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội, trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hàng chục nghìn hộ dân nội ô những năm 1925.
Bên cạnh gánh hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi đồ vật đã qua sử dụng hay như phế liệu. Do đó, người xem có thể nghe thấy những tiếng rao như: “Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi/ Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán na...à...ào”.
Để chào mời khách, ngày nay nhiều người bán hàng sử dụng loa kết nối với máy ghi âm chạy bằng bình ắc quy để phát ra tiếng rao. Nhưng nhiều người vẫn luôn nhớ về những gánh hàng rong và tiếng rao “rất mộc” bằng cả tâm tình mưu sinh giữa thời loạn thế.
Tiếng rao kia, âm thanh ấy trong triển lãm được tái hiện qua tài tử Đàm Quang Minh và các nghệ sĩ Đông Kinh cổ nhạc. Nhiều người đã biết đến Đàm Quang Minh khi anh kết nối tiếng nhạc xưa - nay từ lúc khởi dựng nhóm Đông Kinh cổ nhạc và cho ra đời chuỗi chương trình “Chuyện nhạc phố cổ”.
Chẳng có dáng dấp của một người thuộc về cổ nhạc khi vẻ bề ngoài của Đàm Quang Minh thường phủi và bụi… kiểu “Rock”. Ấy thế mà mấy ai biết khi thời bé xíu, cậu bé Minh vẫn hay ngồi trong lòng cha nghe bà Quách Thị Hồ với Nguyễn Thị Phúc cất tiếng ca trù.
Nhóm Đông Kinh cổ nhạc từ khi khởi dựng, đến nay suốt 5 năm luôn tìm tòi những thể nghiệm mới lạ. Từ xẩm, chầu văn, ca trù, đến chèo, tuồng, ngâm thơ… được thể hiện ngẫu hứng trong không gian phố cổ tạo nên một hấp lực mạnh mẽ.
Những tên tuổi như nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hà, NSND tuồng Minh Gái, NSND chèo Thanh Hoài, NSND nhạc cổ truyền Xuân Hoạch, NSƯT ca trù Thanh Bình, người sắp trò Đàm Quang Minh… đã làm sống dậy âm nhạc dân tộc, kéo thanh âm tiếng rao xưa từ “gánh hàng rong” trở về hiện tại.