Không có tiêm kích F-16, xe tăng phương Tây sẽ chưa thể giúp Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Ý kiến này được đưa ra bởi Nguyên soái Không lực Hoàng gia Anh đã nghỉ hưu Greg Bagwell, tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Daily Express.
Sau nhiều cuộc tranh luận, phương Tây đã đồng ý gửi xe tăng hạng nặng tới trợ giúp Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU). Kyiv dự kiến sẽ nhận được hàng chục chiếc Leopard 2 do Đức sản xuất và Mỹ hứa cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams, tuy vậy điều đó vẫn là chưa đủ, ông Bagwell nhận xét.
“Việc chuyển giao vũ khí theo từng giai đoạn và diễn ra một cách chậm chạp giống như chiến lược 'không để thua'. Điều này sẽ phải trả giá bằng máu của người Ukraine, và dựa vào sự thỏa hiệp hoặc sự đầu hàng từ phía Nga - cả hai điều này không giống như một kết quả có thể xảy ra,” vị Nguyên soái không quân tin tưởng.
Nếu thiếu sự hỗ trợ từ không quân, các thiết bị quân sự hạng nặng sẽ không thể giúp Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công của Quân đội Nga. Trước diễn biến trên, Nguyên soái Bagwell coi tiêm kích F-16 của Mỹ là "ứng viên nặng ký nhất" cho vai trò này.
“Yếu tố then chốt như tiêm kích F-16 sẽ phục vụ một mục đích kép - nó không chỉ bảo vệ Quân đội Ukraine và người dân trên mặt đất lúc này, mà còn đóng vai trò mũi nhọn cho một nền hòa bình tiếp theo”, Nguyên soái người Anh giải thích.
Ông Bagwell lưu ý rằng F-16 không thể được gọi là máy bay chiến đấu hiện đại nhất, nhưng cỗ máy này vẫn hoạt động một cách hiệu quả khi có tuổi thọ cao và mang theo vũ khí hiện đại. Ngoài ra các quốc gia vẫn sử dụng F-16 đã nghĩ đến việc thay thế nó, như vậy họ có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Quân đội Ukraine cần thêm tiêm kích F-16 để phối hợp cùng xe tăng phương Tây. |
Dự báo trong ba tháng nữa, NATO sẽ đưa ra một quyết định quan trọng đó là chuyển giao các máy bay chiến đấu của phương Tây cho Ukraine, ấn phẩm Business Insider của Mỹ cho biết.
Theo tờ báo Mỹ, các quốc gia NATO mới đây đã đồng ý gửi cho Ukraine những chiếc xe tăng hạng nặng chủ lực của họ. Tuy nhiên vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thành trong danh sách mong muốn của Kyiv, khi chính quyền Ukraine nói rằng họ muốn có được tiêm kích hiện đại.
Ngoại trưởng Ukraine - ông Dmitry Kuleba cho biết: “Chúng tôi có những nhiệm vụ mới trước mắt: máy bay chiến đấu kiểu phương Tây, lệnh trừng phạt, thực hiện công thức hòa bình”.
Trong suốt cuộc xung đột, Ukraine đã gây áp lực buộc Hoa Kỳ và các đồng minh cung cấp chiến đấu cơ. Kyiv đã vận động chuyển giao F-15 và F-16 để họ có thể giành được ưu thế trên không. Các quan chức hàng đầu của Không lực Hoa Kỳ không loại trừ việc đáp ứng yêu cầu, nhưng chưa đưa ra câu trả lời cụ thể.
Như cựu đại sứ Pháp tại Mỹ và Liên Hợp Quốc - ông Gerard Haro lưu ý, trong suốt thời gian này, phương Tây đã hỗ trợ một phần cho Kyiv. Việc chuyển giao vũ khí mới gây ra nhiều tranh cãi và thảo luận, chẳng hạn như trường hợp xe tăng Leopard 2. Theo ông Haro, tình hình tương tự sẽ xảy ra trong những tháng tới với việc điều động máy bay chiến đấu.
“Cứ ba tháng lại có một cuộc tranh luận về một loại vũ khí mới. Bây giờ là xe tăng và tôi có thể cá rằng trong 3 tháng tới, đó sẽ là máy bay”, ông Haro dự báo.
Vị cựu đại sứ nói thêm rằng bất cứ khi nào vấn đề viện trợ vũ khí mới được thảo luận, các thành viên NATO đều tranh cãi kịch liệt, nhưng cuối cùng lại bật đèn xanh cho việc cung cấp.