Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoãn cuộc họp quan trọng với Thụy Điển và Phần Lan nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai nước Bắc Âu này.
Hôm 23/1, Tổng thống Tayyip Erdogan cảnh báo rằng Thụy Điển không nên mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc trở thành thành viên NATO sau một cuộc biểu tình ở Stockholm, trong đó một bản sao của Kinh Qur'an đã bị đốt cháy.
Cả Thụy Điển và Phần Lan - những quốc gia có lịch sử trung lập - đều tìm kiếm tư cách thành viên trong liên minh quốc tế sau khi bùng nổ chiến sự tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, họ đang vướng phải rào cản lớn từ Ankara.
“Thụy Điển không nên mong đợi sự hỗ trợ từ chúng tôi đối với việc gia nhập NATO”, ông Erdogan nói với các phóng viên sau cuộc biểu tình được các quan chức Thụy Điển chấp thuận.
Ngoài việc đốt cuốn sách thiêng liêng của Hồi giáo, đầu tháng này, những người người Kurd tại quốc gia Bắc Âu cũng đã treo hình nộm nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, đây là điều mà Ankara cảm thấy cực kỳ khó chấp nhận.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận tư cách thành viên NATO của Thụy Điển thì Phần Lan nhiều khả năng cũng sẽ không gia nhập Liên minh, khi hai nước Bắc Âu này tuyên bố chỉ vào NATO cùng lúc.
Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ có quy mô lớn thứ hai trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. |
Cần nói thêm, Ankara đã hủy chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tới Thổ Nhĩ Kỳ và trong tuần này, Phó chủ tịch Đảng Yêu nước (Vatan Partisi) - ông Ethem Sancak cho rằng những diễn biến vừa qua có thể khiến họ thực hiện các bước thậm chí còn quyết đoán hơn.
“NATO đang khiến chúng ta phải làm như vậy bằng những hành động khiêu khích... Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời NATO sau 5 đến 6 tháng nữa”, ông Sancak nói với tờ Aydinlik. “Họ (NATO) đang cố gắng khiến chúng tôi bị cuốn vào cuộc chiến ở Trung Đông. Cuối cùng, bạn có thể thấy các chiến dịch chống lại Kinh Koran ở Bắc Âu”.
Chính trị gia này cũng tuyên bố rằng có tới 80% dân số Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc tham gia liên minh quân sự - và gợi ý rằng Đảng Yêu nước sẽ phát động chiến dịch vận động rút khỏi NATO hoàn toàn và đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ đồn trú.
Căng thẳng giữa Washington và Ankara đã âm ỉ trong nhiều năm nhưng gia tăng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình Máy bay chiến đấu tấn công kết hợp F-35 của Lockheed Martin, sau khi nước này tiếp tục mua hệ thống phòng không S-400 Triumf do Nga sản xuất.
Các quan chức NATO đã lập luận rằng hai nền tảng này không tương thích và việc Thổ Nhĩ Kỳ vận hành vũ khí khác hệ có thể làm tổn hại đến an ninh của dự án tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm.
Gần đây, các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ mua một số tiêm kích F-16 Fighting Falcon tiên tiến, cùng với các thiết bị để nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu hiện tại của nước này cũng đã bị đình trệ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ tỏ ra cảnh giác với những quan điểm cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ khi chống lại Hy Lạp. Ngoài ra việc Ankara ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO đi nữa cũng sẽ không giúp giải quyết vấn đề.
Không quốc gia nào hoàn toàn rời khỏi NATO, cũng như chưa đất nước nào bị trục xuất, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là trường hợp đầu tiên - vấn đề bây giờ là liệu họ sẽ chủ động rời khỏi liên minh như đã tuyên bố hay chính thức bị khai trừ.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, có vẻ như những ngày Thổ Nhĩ Kỳ còn là thành viên của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã chính thức đếm ngược.