Xe lăn công nghệ cao phục vụ Paralympic 2020

GD&TĐ - Các vận động viên tham dự Thế vận hội người khuyết tật (Paralympic) sử dụng xe lăn do OX Engineering - một công ty nhỏ ở thành phố Chiba sản xuất đã giành được tổng cộng 122 huy chương Vàng kể từ năm 1996 cho tới nay, biến công ty này thành nhà vô địch huy chương Vàng giữa các nhà sản xuất chính của Nhật Bản. Công ty này cũng đang nỗ lực chuẩn bị các mẫu xe lăn mới phục vụ trong Thế vận hội 2020 được tổ chức tại Nhật Bản.

Chế tạo khung xe lăn tại OX Engineering
Chế tạo khung xe lăn tại OX Engineering

Kể từ khi Tokyo giành quyền đăng cai Thế vận hội và Paralympic 2020, số lượng đơn đặt hàng không ngừng tăng thêm 20% mỗi năm. Công ty sản xuất khoảng 500 xe lăn thể thao/năm cho vận động viên từ 21 quốc gia tham gia thế vận hội. “Chúng tôi có công nghệ để tạo ra xe lăn hoàn hảo cho mỗi vận động viên và cho phép họ thể hiện hết sức mình” - ông Katsuyuki Ishii - Chủ tịch công ty, cho biết.

OX Engineering được thành lập vào năm 1988 bởi cha của Ishii, ông Shige yuki - người bán xe máy cho đến khi cuộc sống bị đảo lộn bởi tai nạn xảy ra trong lúc thử xe. Vụ tai nạn khiến ông bị chấn thương cột sống và không thể đi lại được. Sau khi thử và không tìm ra chiếc xe lăn nào phù hợp với mình, ông đã quyết định tự tạo mẫu xe lăn mới.

“Cha tôi muốn một chiếc xe lăn có thiết kế thật tiện ích giống như xe máy nhưng không có cái nào như thế trong thời điểm đó. Nên ông quyết định tự làm cho mình một cái” - ông Ishii kể. Sản xuất xe lăn thể thao là công việc đòi hỏi độ chính xác cao, chúng phải được thiết kế đặc biệt để có tốc độ và sự linh hoạt cần thiết tùy thuộc vào từng môn thể thao. Chẳng hạn, xe lăn tennis sẽ có 2 bánh lớn góc cạnh để giữ ổn định khi vận động viên quay nhanh để đỡ bóng, với 2 bánh xoay ở phía trước và 1 ở phía sau. Xe lăn đua thì có hình dạng khác hoàn toàn với 2 bánh sau lớn và 1 bánh trước nhỏ được nối với nhau thông qua một trục dài.

Quy trình thiết kế và sản xuất xe lăn chi tiết tại OX Engineering vẫn là bí mật hàng đầu nhưng một trong những cách nâng cao hiệu suất của vận động viên mà công ty này sử dụng là tăng độ bền của xe. Trong những năm qua, công ty không ngừng tinh chỉnh hình dạng của xe lăn để cải tiến chúng. Khả năng tạo ra các thiết bị cá nhân hóa cũng là chìa khóa, theo Ishii tiết lộ.

Shingo Kunieda, người giành được 26 danh hiệu quần vợt Grand Slam và 3 Huy chương Vàng Paralympic cho biết xe lăn phải đem lại cảm giác như một phần thân thể của vận động viên vậy. “Tôi thích chiếc xe lăn của tôi vì tôi có toàn quyền kiểm soát nó” - Kunieda nói.

Đối với Masayuki Higuchi, vận động viên đua quãng đường tầm trung tham gia Paralympic Rio năm 2016, khía cạnh quan trọng nhất của xe lăn là ổn định ở tốc độ cao.

Tại Thế vận hội người khuyết tật ở Rio, các vận động viên Mỹ đã sử dụng xe lăn được hãng BMW, loại được tuyên bố là “nhanh nhất thế giới”. Chiếc xe lăn này được sản xuất bởi công ty con của BMW và được tùy chỉnh riêng, làm từ sợi carbon khiến cho nó nhẹ hơn và hấp thụ sốc tốt hơn nhưng cũng đồng thời rất đắt đỏ. “Một chiếc xe lăn như thế có thể có giá lên tới 3 triệu yên (khoảng 625 triệu đồng). Một vận động viên bình thường sẽ không bao giờ đủ khả năng chi trả cho thứ như vậy” - Higuchi cho biết. Chiếc xe lăn của riêng anh có giá hơn 800.000 yên vì nó cũng có sợi carbon. Higuchi nhấn mạnh sự cần thiết của việc cắt giảm chi phí và giá cả để mở rộng sự phổ biến của thể thao Paralympic.

OX Engineering đang cố gắng giảm chi phí xe xuống mức thấp nhất có thể, từ 200.000 - 500.000 yên/chiếc để phục vụ các vận động viên một cách hiệu quả và rộng rãi hơn.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.