Đó là mục tiêu kép mà địa phương muốn hướng đến để vừa có môi trường giáo dục tốt, vừa hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Khó khăn chồng chất
Tuy là huyện có tiềm năng nhất định để phát triển kinh tế vì có cửa khẩu Ma Lù Thàng, song địa phương này lại có nhiều xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sự quan tâm đến việc học của con em chưa đủ lớn khiến công tác phát triển giáo dục ở đây luôn gặp không ít trở ngại.
Trường PTDTBT Tiểu học Đoàn Kết (Tiểu học Đoàn Kết) có hơn 300 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã Ma Li Pho. Đây là ngôi trường mới sáp nhập thêm 4 bản vùng khó của xã Huổi Luông. Dù đối mặt với khó khăn về cơ sở vật chất, trình độ của giáo viên còn nhiều hạn chế nhưng tập thể nhà trường vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn trong 5 năm tới.
“Khó khăn còn nhiều, tuy vậy, chúng tôi đang tràn đầy quyết tâm khắc phục để xây dựng trường chuẩn, phấn đấu có môi trường giáo dục tốt, góp phần nâng cao dân trí”, cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết chia sẻ.
“Ngày trước, một số xã vùng cao tỷ lệ học sinh ra lớp học chữ đạt chừng 70%, thầy cô phấn khởi lắm rồi. Phụ huynh chẳng thiết tha với việc học của con em. Nhưng thầy cô cứ miệt mài vận động, ngành GD-ĐT cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, bản thường xuyên vận động… giờ đây người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ. Vì thế, tỷ lệ học sinh đến trường đạt khoảng 95%. Đây là thành công ngoài mong đợi”, ông Nguyễn Vương Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ chia sẻ.
Đồng lòng vượt khó
Ông Nguyễn Vương Hùng cho biết: Đứng trước yêu cầu về đổi mới căn bản toàn diện của GD-ĐT, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong những năm tiếp theo, xây dựng trường chuẩn quốc gia là cần thiết.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu kép: Xây dựng trường chuẩn vừa tạo được môi trường sư phạm tốt, có chất lượng, góp phần nâng cao dân trí; cùng với địa phương hoàn thành tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, toàn ngành quyết tâm sẽ hoàn thành tốt mục tiêu này trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Vương Hùng giãi bày.
Từ chỗ có hơn 60 đơn vị trường học, sau thời gian sáp nhập, huyện Phong Thổ hiện có 48 trường với 907 lớp và 23.135 học sinh. Giai đoạn 2016 - 2020, Phong Thổ có 14 trường được công nhận mới, công nhận lại đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2025, cùng với việc duy trì kết quả sẵn có, địa phương này phấn đấu sẽ có 14 trường học đạt chuẩn.
Theo quan điểm của Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, ngành GD-ĐT huyện sẽ tập trung xây dựng hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên 58%.
Cũng theo ông Hùng, xây dựng các trường đạt chuẩn đã khó, việc duy trì còn khó khăn hơn. Vì thế, chúng tôi xác định cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học cần quan tâm xây dựng cảnh quan, môi trường giáo dục tốt. Chúng tôi sẽ chú trọng đến các tiêu chí trường chuẩn quốc gia để củng cố, cải thiện. Trong đó, sẽ đặc biệt chú ý đến việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, bởi chúng tôi lấy phương châm “chất lượng của người học là tấm gương phản chiếu những nỗ lực và năng lực của người dạy”. Vì vậy, toàn ngành cùng chung tay, trách nhiệm thì không lý do gì chất lượng dạy và học lại không phát triển.