Hòa Bình: Xây dựng trường chuẩn quốc gia vượt kế hoạch

GD&TĐ - Tính đến tháng 11/2020, Hòa Bình có 284 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt 54,1%. Trong đó khối tiểu học có 31 trường đạt chuẩn, chiếm 88,57%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trao đổi về kinh nghiệm trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Điều quan trọng nhất là phải tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của trường chuẩn quốc gia.

Trong đó, lưu ý nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở tiểu học.

Cần làm cho phụ huynh, đặc biệt nhân dân các dân tộc hiểu được sự cần thiết của xây dựng trường chuẩn quốc gia; tuyên truyền, vận động để phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện cho con em đến trường, cùng tham gia xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường, động viên giáo viên, học sinh dạy và học tốt.

Bên cạnh đó, cần đầu tư, tập trung bồi dưỡng chuyên môn giáo viên các trường, hàng năm quan tâm, chú trọng tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp cho trường chuẩn quốc gia, để chất lượng đội ngũ đảm bảo các tiêu chí và duy trì bền vững.

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cấp quản lý giáo dục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở địa phương, phụ huynh học sinh quan tâm chăm lo, không để CSVC xuống cấp. Tích cực phối hợp với địa phương thực hiện đúng tiến độ, lộ trình xây dựng trường chuẩn.

Thiết bị dạy học được trang bị thêm, đầy đủ, phong phú theo hướng hiện đại để các trường học có thể tổ chức tốt hơn hoạt động dạy học, hoạt động ngoài giờ. Tăng cường đầu tư, CSVC, thiết bị cho trường tiểu học đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia.

CSVC, thiết bị dạy học được tăng cường đầu tư, cụ thể như: đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh, bếp bán trú..., đồng thời, tổ chức quản lý, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đảm bảo đủ tỷ lệ 1 phòng học/lớp để bố trí dạy học 2 buổi/ngày; đủ nhà vệ sinh cho học sinh, nhất là những điểm trường lẻ.

Bà Bùi Thị Kim Tuyến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Có thể khẳng định, qua thực hiện phong trào, CSVC trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã có sự đổi thay toàn diện, từ diện mạo bên ngoài đến chất lượng bên trong và các công trình, thiết bị.

CSVC ngày càng hoàn thiện đã tác động tích cực đến quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả giáo dục của các nhà trường. Góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp GD&ĐT. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của ngành Giáo dục, mà đã được cả hệ thống chính trị và Nhân dân các địa phương quan tâm thực hiện, ủng hộ.

Nhiều xã, phường, thị trấn đã tăng "quỹ đất” cho các nhà trường để mở rộng khuôn viên, đáp ứng yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có nhận thức cao về nhiệm vụ và trách nhiệm; nhiệt tình, tâm huyết, không quản khó khăn để huy động, duy trì số lượng học sinh và thực hiện tốt các hoạt động giáo dục.

Công tác xã hội hóa giáo dục từng bước được đẩy mạnh. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các nguồn lực huy động hỗ trợ cho giáo dục được sử dụng có hiệu quả.

Các trường đạt chuẩn quốc gia đã khẳng định được chất lượng giáo dục, tạo được uy tín và niềm tin đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các bậc phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ