Cái khó trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở huyện miền núi

GD&TĐ - Tại huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia đang được quan tâm, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số nghèo. Tuy nhiên, việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia nơi đây còn nhiều cái khó.

Học sinh Trường mầm non xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa được học tập trong điều kiện tốt về cơ sở vật chất.
Học sinh Trường mầm non xã Tam Lư, huyện biên giới Quan Sơn, Thanh Hóa được học tập trong điều kiện tốt về cơ sở vật chất.

Thiếu cơ sở vật chất

Huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) có 45 trường từ mầm non đến THCS, trong đó có 19 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác xây dựng trường chuẩn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học. Vì vậy, mỗi năm toàn huyện chỉ đầu tư cho 2 đến 3 trường đạt chuẩn.

Thầy Lê Đình Lợi – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Lư, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, cho biết: Trường tiểu học Tam Lư có 220 học sinh với 4 điểm trường gồm 1 điểm chính và 3 điểm trường lẻ. Hiện nay, các điểm lẻ chủ yếu là học sinh lớp 1, 2; học sinh từ lớp 3 đã được đưa về điểm trường chính học tập. Theo lộ trình năm 2019, nhà trường sẽ đạt chuẩn Quốc gia, vì vậy bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường cũng đang xây dựng cơ sở vật chất.

Để trường đạt chuẩn, nhà trường phải đạt 5 tiêu chí gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Quan hệ nhà trường-gia đình-xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Nhà trường đã đạt 4 tiêu chí, còn 1 tiêu chí về cơ sở vật chất và trang thiết bị phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách đầu tư của tỉnh, huyện.

“Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia giúp giáo viên và học sinh được dạy và học trong điều kiện tốt hơn, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Cái khó nhất để xây dựng trường chuẩn chính là cơ sở vật chất nhà trường. Hiện nay, nhà trường còn thiếu nhà hiệu bộ, phòng chức năng. Là một xã vùng cao khó khăn, đời sống kinh tế của người dân còn vất vả nên việc huy động xã hội hóa là vô cùng khó” - thầy Lợi chia sẻ.

Bà Lương Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cũng cho biết: Quan Sơn là huyện biên giới nghèo. Mặc dù giáo dục luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm nhưng cơ sở vật chất của nhiều trường học vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Những năm gần đây, huyện đã nỗ lực xóa điểm trường lẻ, đưa học sinh ra điểm trường chính để học sinh được học tập trong môi trường tốt hơn. Năm 2017, toàn huyện xóa được 6 điểm lẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, huyện Quan Sơn vẫn còn hơn 40 điểm lẻ mầm non, hơn 40 điểm lẻ tiểu học và 1 điểm lẻ THCS. Để xây dựng trường chuẩn cần đầu tư cơ sở vật chất, trung bình mỗi trường đầu tư từ 2 đến 3 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách từ huyện khó khăn, xã hội hóa từ địa phương lại càng khó do điều kiện đời sống người dân còn vất vả. Phần lớn các trường thiếu phòng chức năng, phòng hiệu bộ, nhiều trường còn thiếu phòng học, bàn ghế, trang thiết bị dạy học.

“Năm 2017, huyện đã đầu tư cho 3 trường đạt chuẩn Quốc gia và công nhận chuẩn lại cho 4 trường. Tại một huyện nghèo nhưng trong 1 năm có 7 trường được công nhận chuẩn Quốc gia cũng là sự cố gắng lớn của các cấp chính quyền huyện Quan Sơn và các thầy, cô giáo nhà trường” – Bà Hạnh nói.

Cần sự chung tay của chính quyền địa phương

Xây dựng trường chuẩn quốc gia, bài toán không chỉ của nhà trường, mà cần có sự chung tay của chính quyền huyện, xã. Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một trong những nhân tố hàng đầu đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, UBND huyện Quan Sơn đã phê duyệt kế hoạch xây dựng trường chuẩn từ 2016-2020.

Kế hoạch đến năm 2020, số trường được công nhận trường học đạt chuẩn Quốc gia là 45% đến 50%. Huyện Quan Sơn cũng yêu cầu công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia phải triển khai sâu rộng trong toàn ngành giáo dục và được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp trong nhân dân. Các cấp uỷ, chính quyền phải đưa nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia vào Nghị quyết, Chương trình hành động toàn khoá ở mỗi địa phương, nhà trường trên cơ sở mục tiêu và kế hoạch của toàn huyện; Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của trường đạt chuẩn Quốc gia trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…

Cô Lê Thị Vinh – Hiệu trưởng trường mầm non xã Tam Lư, huyện Quan Sơn - trường vừa được công nhận chuẩn quốc gia tháng 5/2017, cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất cho con em địa phương học tập, nhà trường đã đăng ký làm chuẩn và được huyện đầu tư hỗ trợ 1,8 tỷ đồng xây dựng nhà hiệu bộ, phòng chức năng và phòng học. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhân dân, nhà trường được hỗ trợ thêm cơ sở vật chất như: bàn, ghế, tủ đựng đồ… trang thiết bị dạy và học cho học sinh.

Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng trường chuẩn, cô Vinh cho biết, để xây dựng thành công trường chuẩn Quốc gia cần phải có sự vào cuộc, chung tay của chính quyền, nhân dân địa phương và phụ huynh học sinh.

Vì vậy, công tác tham mưu, tuyên truyền cho chính quyền địa phương về xây dựng trường chuẩn có vai trò quan trọng. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của trường đạt chuẩn Quốc gia trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhà trường đã được nhân dân và phụ huynh học sinh ủng hộ. Đời sống nhân dân xã Tam Lư còn thiếu thốn, việc huy động xã hội hóa rất khó khăn.

Tuy nhiên người dân lại ủng hộ về tinh thần cũng như công sức (ngày công lao động) để mang đến môi trường học thân thiện cho học sinh. Một trong những cái khó khi xây dựng trường chuẩn vùng cao là cơ sở vật chất ở cả những khu trường lẻ. Trường mầm non Tam Lư còn 3 khu lẻ. Nhờ có sự hỗ trợ của nhân dân địa phương, các điểm lẻ của Trường mầm non Tam Lư đã được lợp mái tôn, không còn tranh tre, nứa lá.

“Cơ sở vật chất đảm bảo, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh dạy và học. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục nhà trường được nâng lên. Hiện nay, nhà trường có 34 cán, bộ giáo viên, nhân viên, trong đó có hơn 70 % giáo viên đạt trên chuẩn. Vừa qua, nhà trường đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng giấy khen” – Cô Vinh cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ