Xây mới 433 trường ở Hà Nội để nâng tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hà Nội xây và thành lập mới 433 trường học, đầu tư trên 52 nghìn tỷ đồng cho giáo dục để đáp ứng nhu cầu học tập và nâng tỷ lệ chuẩn quốc gia.

Bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin về mạng lưới trường học ở Thủ đô.
Bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin về mạng lưới trường học ở Thủ đô.

Dự kiến xây mới 433 trường

Mới đây Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Đoàn đề nghị Hà Nội làm rõ mức độ đáp ứng của hệ thống trường, lớp, phòng học chức năng để đảm bảo thực hiện chương trình.

Bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố có khoảng 40.200 phòng học, khoảng 10.459 phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn... của cả 3 cấp học (Tiểu học, THCS, THPT).

Theo bà Hà, khoảng 60% số trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố có cơ sở vật chất ổn định và xây dựng kiên cố, được giao đất và cho thuê hoặc sử dụng đất của gia đình. Với hệ thống trường Tiểu học thì hầu hết các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt sửa chữa cải tạo hoặc xây mới, thành lập mới thêm, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, có các phương án phân tuyến hợp lý nhằm giảm áp lực quá tải sĩ số.

Mặc dù các cấp học vẫn bố trí đi thuê, mượn cơ sở vật chất hoặc ưu tiên, sắp xếp đủ phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh để đảm bảo điều kiện dạy và học, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhưng hiện nay quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố còn những bất cập.

Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học.

Ngoài ra, tỷ lệ huy động học sinh học trường ngoài công lập của các cấp học còn thấp - đặc biệt là giáo dục THPT với ngoại thành. Trong khi nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn Thành phố vào trường lớp công lập tăng cao.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Vũ Thu Hà cho biết, để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời bố trí nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn. Đồng thời, cải tạo, sữa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.

Khu vực quỹ đất xây dựng trường học ở Gia Lâm (Hà Nội).

Khu vực quỹ đất xây dựng trường học ở Gia Lâm (Hà Nội).

Theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong giai đoạn 2021-2025 nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là 51.294 tỷ đồng với 1.649 dự án.

"Giai đoạn 2021-2025 Hà Nội có nhu cầu xây mới 135 trường ngoài công lập, với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng. Vì vậy, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hoá, huy động nguồn xã hội hóa phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài công lập. Khuyến khích đa dạng hóa phát triển trường lớp ngoài công lập và hội nhập quốc tế...", bà Vũ Thu Hà cho biết.

Ưu tiên quỹ đất xây trường học

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Vũ Thu Hà cũng cho biết, thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học các cấp nhằm đảm bảo hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học phục vụ phát triển GD&ĐT Thủ đô. Đồng thời, bố trí các nguồn vốn đầu tư xây mới trường học, bổ sung thêm phòng học và cải tạo trường, lớp học tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở để xây trường học công lập.

Từ thực tiễn khảo sát tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn đề nghị UBND TP tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học.

Đồng thời, tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Hà Nội quan tâm bố trí ngân sách để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... bảo đảm đủ điều kiện để triển khai chương trình đổi mới sách giáo khoa và giáo dục phổ thông có hiệu quả.

Hoàn thiện mạng lưới giáo dục

Năm 2023 trường Mầm non C xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) đón Bằng công nhận trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Cô Phạm Thúy Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2022 -2023 có 650 học sinh với 17 lớp, song cơ sở vật chất cũ của trường chỉ đảm điều kiện chuẩn mức độ 1.

Trường Mầm non C xã Tứ Hiệp cải tạo, chỉnh trang đảm bảo cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Trường Mầm non C xã Tứ Hiệp cải tạo, chỉnh trang đảm bảo cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Vì vậy, công tác cải tạo và chỉnh trang nhà trường được thực hiện ngay trong quý I/2023 để trường Mầm non C xã Tứ Hiệp đủ điều kiện đón nhận trường đạt chuẩn mức độ 2. "Với cơ sở cũ, nhà trường sửa mái nhà vòm, sơn lại phòng học, phòng chức năng và khuôn viên nhà trường. Bên cạnh đó là lát gạch...dự kiến hoàn thành trong quý II/năm 2023, báo cáo huyện và Phòng GD&ĐT để đón nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2...", cô Hạnh thông tin.

Ông Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2020 -2025, giáo dục là một trong những nội dung được Đảng bộ huyện chỉ đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong đó có nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2021 -2026, thực hiện Chương trình GDPT 2018 và thực hiện 2 đề án phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2026.

"Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn huyện Thanh Trì. Qua đó nhằm mục tiêu phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao của huyện và phát triển đề án huyện lên quận...", ông Ngát thông tin.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cũng cho biết, hết tháng 3/2023 Thanh Trì có 15/15 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao được thành phố đánh giá cao về việc hoàn thành trước 2 năm so với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thanh Trì nhiệm kỳ 2021 -2025 đề ra. Bên cạnh đó, 64/73 trường học đạt chuẩn quốc gia (Mầm non, Tiểu học, THCS) đạt tỉ lệ 87,67% trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

"Hiện trường học được xây mới nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của thành phố Hà Nội và huyện phê duyệt. Tất cả trường học trong dự án cải tạo và xây mới được nằm trong đầu tư công của huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 -2026. Trong đó, có lộ trình từng bước để hàng năm có xây mới và cải tạo các trường theo quy định...", ông Ngát cho hay.

Cũng theo ông Ngát, riêng năm 2023, Thanh Trì xây dựng mới 7 trường học, trong đó có 2 trường THCS, 2 trường Tiểu học và 3 trường Mầm non. Bên cạnh đó, hàng năm huyện Thanh Trì cải tạo hàng chục trường học để đảm bảo nhu cầu học tập của con em người dân địa phương và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ