Dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, bà Sun Lei - Điều phối viên chuơng trình GD của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng hơn 125 đại biểu đại diện cho các cơ quan Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội Khuyến học VN, các bộ ngành, đoàn thể và đại diện 20 tỉnh, thành khu vực miền Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Xã hội học tập là một xã hội trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội do xã hội mang lại. Do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, các ngành, các đoàn thể và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Đuợc biết, đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Qua gần 2 năm thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mạng lưới các Trung tâm học tập cộng đồng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi. Hiện cả nước có 721 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; 1875 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 10.994 Trung tâm học tập cộng đồng xã, phương, thị trấn.
Toàn quốc có 20 triệu lượt người tham gia học tập chuyên đề tại các Trung tâm học tập cộng đồng. Gần 1 triệu học viên được cấp chứng chỉ ngoại ngữ và hơn 200.000 học viên được cấp chứng chỉ tin học; hơn 400.000 người tham gia học nghề ngắn hạn; hơn 22.000 người theo học lớp xóa mù chữ và hơn 15.000 người theo học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vẫn còn nhiều thách thức đang chờ phía trước: “Điều kiện chúng ta đang thiếu nhiều nhất là việc học cho cộng đồng để sao cho mỗi người dân trong cộng đồng đều có cơ hội lựa chọn cách học của mình. Chúng ta có 11.000 Trung tâm học tập cộng đồng, có hệ thống 5.000 - 7.000 thư viện, nhà văn hóa… thế nhưng những nơi đó chưa có cơ chế, chính sách để phục vụ cho học tập cộng đồng, phục vụ cho học tập suốt đời”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe và bàn thảo để xác định các đặc trưng mong muốn của xã hội học tập và cộng đồng học tập tại Việt Nam, đồng thời tìm ra các giải pháp chính để đạt được các đặc trưng đó.
Đại biểu cũng đi sâu phân tích và góp ý cho việc xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt nhất mục tiêu xây dựng xã hội học tập tại nước ta từ nay đến năm 2020.
Các hoạt động sẽ được phân cấp đến cơ sở, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, ứng dụng công nghệ vào việc học tập cộng đồng…