Xây dựng xã hội học tập: Thúc đẩy học tập suốt đời

GD&TĐ - Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” đã tạo hiệu ứng tích cực sau 4 năm triển khai.

Sinh viên Trường ĐH Thương mại (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Thương mại (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) chia sẻ thông tin và làm rõ hơn về những giải pháp nhằm thúc đẩy học tập suốt đời.

Phát triển mạnh mẽ

- Việt Nam có những hoạt động gì để thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, thưa ông?

- Để tiếp nối và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công cuộc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030, ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1373/TTg-CP phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình thành phần của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.

Tiếp đến, ngày 9/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1315/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 – 2030 của ngành Giáo dục”. Một trong những điểm nhấn của Kế hoạch này là, thi đua để tiếp cận kịp thời xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa.

Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ chú trọng phát triển các nền tảng, tài nguyên giáo dục dùng chung phù hợp trên không gian mạng và hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá kết quả triển khai phong trào thi đua.

thuc day hoc tap suot doi (2).jpg
Ông Hoàng Đức Minh. Ảnh: NVCC

Những việc cần làm

- Sau 4 năm triển khai, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” đã tạo được hiệu ứng gì?

- Sau 4 năm triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”, các cấp, ngành và đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc và đã đạt kết quả quan trọng, nhất là mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng các mô hình học tập.

Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được quan tâm chỉ đạo, huy động sự tham gia của các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở. Tính đến tháng 5/2024, cả nước có 34/63 tỉnh, thành phố được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đạt tỷ lệ 54%). 11 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (đạt tỷ lệ 17,5%), 8 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 (đạt tỷ lệ 12,7%) đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.

Cả nước có 21/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (đạt tỷ lệ 33,3%) được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận và 30/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.

Việc xây dựng các mô hình học tập được chú trọng triển khai: Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”; triển khai thí điểm tại 5 trường đại học và 7 tỉnh, thành phố và tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá việc triển khai thí điểm; ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh; Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh.

Các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, ban hành đầy đủ kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện việc đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh và “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh cụ thể, rõ ràng, thiết thực, gắn với tình hình thực tế; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về sự cần thiết, tác động và ích lợi của việc xây dựng “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động góp phần thực hiện tốt các tiêu chí công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”.

- Theo ông, để hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án), thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào?

- Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và chuẩn bị sơ kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện vào cuối năm 2025, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm như:

Thứ nhất, tổ chức các phong trào, cuộc vận động về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sâu rộng. Theo đó, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” bằng những nội dung, công việc cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện thực tiễn từng đơn vị, địa phương.

Thứ hai, tổ chức đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh; “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh. Các tỉnh, thành phố cần ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” theo quy định tại Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, chỉ đạo các các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập”. Việc đánh giá, công nhận phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm tạo cơ hội học tập công bằng, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được tham gia học tập.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục người lớn, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với UNESCO tổ chức hội thảo, diễn đàn quốc tế về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Ngoài ra, Bộ sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các tổ chức uy tín trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục người lớn. Qua đó, hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực hiện chính sách học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Trung tâm khu vực về Học tập suốt đời của SEAMEO tại Việt Nam. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết và thiết lập mạng lưới, quan hệ đối tác hợp tác với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu các chính sách và trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn triển khai công tác xây dựng xã hội học tập giữa các quốc gia với nhau.

- Xin cảm ơn ông!

“Với 5 địa phương được công nhận là thành viên Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Viện Học tập suốt đời của UNESCO hỗ trợ triển khai xây dựng thành phố học tập đảm bảo thực chất, hiệu quả. Mặt khác, Bộ hỗ trợ các thành phố khác khảo sát, đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí thành phố học tập, từ đó xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào tháng 6/2025”. - Ông Hoàng Đức Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...