Học không bao giờ cùng
Chị Cà Thị Bày (34 tuổi, người dân tộc Tày, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) là một trong 463 gương tiêu biểu được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2024. Do hoàn cảnh khó khăn, học xong lớp 9, chị phải dừng việc học để ở nhà phụ bố mẹ vào rừng tìm cây dược liệu làm men lá cũng như học hỏi kỹ thuật đưa cây dược liệu quý về trồng gần nhà.
Không cam lòng dừng lại ở cách trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu theo truyền thống cha ông để lại, chị Bày đã tự nghiên cứu thêm cách tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cho cây dược liệu thông qua sách, báo, mạng xã hội.
Chị Bày trải lòng: “Càng nghiên cứu chuyên sâu, tôi nhận thấy việc học hành đầy đủ sẽ hỗ trợ, giúp đỡ cho mình rất nhiều trong công việc. Bởi vậy, tôi đã tham gia vào phong trào học tập suốt đời từ Hội khuyến học của xã Xuân La. Tại đây, tôi có cơ hội học tập nhiều kiến thức, tiếp cận với người chung chí hướng, hơn thế được khuyến khích thử sức các chương trình, dự án khởi nghiệp và giúp một người vừa tốt nghiệp THCS mạnh dạn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh đoàn, quốc gia khi bản thân đã ở tuổi ngoài 30”.
Năm 2023, lần đầu tiên chị Bày tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Bắc Kạn lần thứ III và đoạt giải Nhì. Thừa thắng xông lên, chị tiếp tục cọ xát với cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên” tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV và đoạt giải Ba…
Từ những kiến thức có được, trong quá trình tham gia phong trào học tập suốt đời tại Hội khuyến học, chị Bày đã lan toả đến học sinh, thanh niên, những người trẻ trong thôn, xã nơi mình ở, từ đó giúp họ hiểu giá trị của việc học tập không chỉ ở trường học mà trong cuộc sống hằng ngày không kể tuổi tác.
Hiện nay ngoài quản lý xưởng rượu, trồng dược liệu, chị Bày còn nghiên cứu thêm cách chế biến nông sản nhằm tăng giá trị sản phẩm. Cùng đó, chị tổ chức dạy cho học sinh ở xã cách làm men nấu rượu, trồng và chăm sóc các loại dược liệu nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Mặt khác, chị tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên, phụ nữ trong xã tại hợp tác xã rượu của mình.
Hiện mỗi tháng gia đình chị sản xuất 100kg men lá, chưng cất hơn 1.500 lít rượu cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Chị còn kết hợp rượu truyền thống với dược liệu quý thành các bài thuốc gia truyền của dân tộc Tày như rượu thuốc xoa bóp, rượu ngâm dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh đau nhức xương khớp...
Dòng họ khuyến học
Nhắc đến họ Hà ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn), người dân nơi đây sẽ nhớ đến dòng họ có truyền thống hiếu học. Để duy trì và phát huy tinh thần hiếu học, những người đứng đầu dòng họ Hà đã nỗ lực xây dựng nhiều hình thức khuyến khích con cái học tập, người đi trước làm gương cho con cháu.
Trong toàn huyện Văn Quan, dòng họ Hà có hơn 100 hộ gia đình, riêng thôn Bản Dạ và Khòn Khẻ thuộc xã Bình Phúc có 79 hộ. Ông Hà Hồng - Trưởng ban Liên lạc họ Hà tại xã Bình Phúc (huyện Văn Quan) tâm sự, tinh thần hiếu học trong dòng họ Hà không phân biệt tuổi tác. Người trẻ học để trưởng thành, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Người già học để rèn luyện trí óc, cập nhật, trau dồi kiến thức, kỹ năng mới nhằm dạy bảo con cháu tốt hơn.
“Dòng họ Hà nhiều năm nay luôn nêu cao tinh thần hiếu học, góp phần xây dựng dòng họ văn hóa, dòng họ học tập, phát huy tình làng nghĩa xóm, hưởng ứng tốt các cuộc vận động của cộng đồng, địa phương”, ông Hà Hồng nói.
Với mong muốn bám sát tinh thần học tập của con em trong dòng họ, ông Hà Hồng cùng nhiều thành viên cốt cán thống nhất chia nhỏ ra từng khu vực để quản lý. Phương pháp này đã thu về kết quả tích cực.
“Thời gian đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, vận động con em duy trì truyền thống hiếu học. Nhờ vào nỗ lực của từng thành viên trong dòng họ, mọi thứ dần đi vào nền nếp và mọi người luôn cố gắng động viên, bảo ban nhau học tập”, ông Hà Hồng kể.
Để phong trào khuyến học trong dòng họ phát triển, dòng họ Hà chú trọng đến tuyên dương, khen thưởng những cá nhân có thành tích cao trong học tập, công việc và đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước.
Mới đây, dòng họ Hà đã tổ chức khen thưởng cho 20 học sinh có thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Bên cạnh đó, vào mồng bảy tháng Giêng hằng năm, dòng họ tổ chức tuyên dương, khen thưởng và trao học bổng học tập cho con cháu có thành tích học tập tốt tại Nhà bia hiền tài.
Không chỉ khen thưởng, vào dịp gặp mặt của dòng họ, các thành viên trong Ban Khuyến học còn tổ chức giới thiệu với con cháu những tấm gương hiếu học của dòng họ Hà, qua đó, nhắc nhở, giáo dục thế hệ sau học tập, noi theo.
Theo ông Hà Hồng, xã hội ngày càng phát triển, nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào kinh doanh sản xuất, những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng đi làm cần cập nhật kiến thức để làm việc. Bởi vậy, chúng ta luôn khuyến khích cho con cháu hiểu được giá trị học tập suốt đời.
Bà Hoàng Thị Thoả - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phúc (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đánh giá cao về tinh thần hiếu học của dòng họ Hà, tấm gương sáng cho con em trong toàn xã noi theo. “Ban liên lạc dòng họ Hà ở xã Bình Phúc hoạt động tốt, họ thường xuyên tổ chức họp ban liên lạc bình xét thi đua khen thưởng. Ngoài ra, những người con thành đạt của dòng họ Hà đã có nhiều đóng góp cho quê hương như xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ những học sinh khó khăn hay trao thưởng cho học sinh có thành tích tốt trong học tập nhằm tạo động lực để các em phấn đấu.
Với kết quả đạt được trong công tác khuyến học - khuyến tài, dòng họ Hà là dòng họ duy nhất ở xã Bình Phúc được công nhận là “Dòng họ học tập và công dân học tập”.
“Tại xã Bình Phúc (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), chúng tôi đã xây dựng Nhà bia hiền tài của dòng họ Hà và có bảng vàng để ghi danh thành tích của những thành viên trong dòng họ. Bảng vàng đó được cập nhật thông tin thường xuyên”, ông Hà Hồng - Trưởng dòng họ Hà ở xã Bình Phúc cho hay.