Trong tình hình mới, TT HTCĐ phải đổi mới, đa dạng hoạt động, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân.
Đổi mới nội dung và hình thức
TT HTCĐ là mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần thúc đẩy xã hội học tập từ cơ sở. Đứng trước xu thế phát triển của xã hội, vai trò của TT HTCĐ trong việc xây dựng xã hội học tập, nông thôn mới… cần có nội dung thiết thực, đầu tư về nguồn lực để có được hiệu quả mong muốn.
Trong giai đoạn mới, TT HTCĐ đối mặt với một số khó khăn về tài chính, nhân lực… Cụ thể như trung tâm thiếu người có tay nghề kỹ thuật cao làm công việc giảng dạy; thiếu giáo viên cơ hữu; giáo viên phổ thông được điều về các TT HTCĐ còn quá ít.
Đơn cử tại TPHCM, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030, đến cuối năm 2023, toàn thành phố có 859 cán bộ quản lý, 520 giáo viên và 2.777 cộng tác viên tham gia giảng dạy tại các TT HTCĐ. Dù quy mô phát triển rộng khắp, nhưng một số trung tâm hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân; nội dung hoạt động kém phong phú, thiếu hấp dẫn, thậm chí nặng tính hình thức. Theo quy chế hoạt động, cán bộ quản lý TT HTCĐ được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm nên việc quản lý và tổ chức hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của TT HTCĐ tại các phường, xã, thị trấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, các đơn vị tiếp tục tăng hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng xã hội học tập; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của chính quyền; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội…
Từ năm 2023, các TT HTCĐ đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động học tập, tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển công nghệ đào tạo mở từ xa để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, nâng cao hiệu quả mô hình xây dựng xã hội học tập.
TP Sa Đéc là đô thị loại 2 của tỉnh Đồng Tháp, dân số khoảng 202.000 người với 9 đơn vị hành chính trực thuộc. Theo thống kê, thành phố có 9 Trung tâm văn hoá - Học tập cộng đồng được xây dựng hoàn thiện về cơ sở vật chất. Hệ thống Trung tâm văn hoá - Học tập cộng đồng của TP Sa Đéc được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 thiết chế là Trung tâm văn hoá thể thao và TT HTCĐ.
Trao đổi về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm văn hoá - Học tập cộng đồng ở TP Sa Đéc, ThS Trần Thị Thu Trang - Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trước hết, để có nguồn nhân lực tốt, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng đòi hỏi cần làm tốt từ khâu tuyển chọn, bố trí cho đến đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Cần tính đến phương án biệt phái, luân chuyển đối với những công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (kèm theo phụ cấp trách nhiệm xứng đáng) giữa các địa phương với nhau để có thể phát huy năng lực, sở trường; đồng thời góp phần vực dậy những trung tâm hoạt động yếu kém. Có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ, nhân viên trung tâm chủ động tìm tòi, đề xuất sáng kiến trong việc tổ chức hoạt động mới; thay đổi, cải tiến những nội dung đang thu hút nhiều người tham gia theo cách hấp dẫn hơn…
Gắn với nhu cầu
Tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 80 TT HTCĐ và Trung tâm văn hóa - HTCĐ thuộc các xã nông thôn mới. Các trung tâm đáp ứng khá tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao và học tập của người dân.
Huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) có 13 TT HTCĐ và 7 Trung tâm văn hóa - HTCĐ thuộc các xã nông thôn mới. Năm vừa qua, các trung tâm đã mở được 107 lớp bồi dưỡng, truyền tải kiến thức trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học đời sống, văn hóa, xã hội, sức khỏe cộng đồng, thu hút trên 8.500 lượt người tham gia học tập.
Tùy tình hình mỗi địa phương, các TT HTCĐ phối hợp với ban, ngành, đoàn thể có liên quan chia sẻ các kiến thức hữu ích, thiết thực để người dân có thể nắm bắt và vận dụng. Hiện 100% TT HTCĐ có tủ sách riêng, bố trí máy tính kết nối Internet phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức người học đáp ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ. Qua đánh giá chất lượng hoạt động “Cộng đồng học tập cấp xã”, 20/20 trung tâm đạt loại tốt.
Tham gia học tập tại TT HTCĐ, bà Trần Thị Huệ, ngụ Thị trấn Càng Long (tỉnh Trà Vinh) là một trong những công dân học tập tiêu biểu. Theo bà Huệ, với phương châm “cần gì học nấy”, bà và các thành viên trong gia đình tích cực học tập theo lứa tuổi, trình độ. Bà tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật do TT HTCĐ thị trấn Càng Long tổ chức.
Bên cạnh đó, bà còn học tập qua các phương tiện truyền thông về các kỹ năng giao tiếp, ứng dụng những kiến thức học được vào các mô hình sản xuất, trồng trọt, mua bán… Từ đó, kinh tế của gia đình được cải thiện, thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm.
Bàn về giải pháp phát triển các Trung tâm văn hoá - Học tập cộng đồng, ThS Trần Thị Thu Trang - Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: Cần thực hiện giải pháp về đổi mới nội dung và hình thức hoạt động Trung tâm văn hoá - Học tập cộng đồng. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục đòi hỏi cán bộ trung tâm phải linh hoạt, kiên trì gắn hoạt động với việc học tập thực tế các mô hình điểm.
Giảm bớt và loại bỏ dần các nội dung tuyên truyền mang tính hình thức, thiếu thực tế, không gắn với nhu cầu của người dân bằng cách làm mới mang tính thực tế và hấp dẫn, lôi cuốn hơn. Đổi mới nội dung, chương trình, hình thức tổ chức học tập của Trung tâm sẽ giúp liên tục cập nhật, điều chỉnh chương trình, nội dung học tập sao cho phù hợp, động viên người dân tham gia học tập thiết thực, hiệu quả…
Theo ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh), triển khai xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mọi người dân ở mọi lứa tuổi, trình độ được học tập thường xuyên, học suốt đời, học liên tục mọi lúc, mọi nơi. Qua đó nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như ứng dụng vào sản xuất, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…