Xây dựng xã hội học tập: Nhìn lại để hướng tới

GD&TĐ - Nhiều mô hình trong xây dựng xã hội học tập thời gian qua đã tạo điều kiện để người dân bình đẳng trong tiếp cận hệ thống tri thức mở...

Sinh viên ĐH Đà Nẵng được nhận Học bổng “Chương trình Phát triển Nhân tài” năm học 2023 – 2024. Ảnh: NTCC
Sinh viên ĐH Đà Nẵng được nhận Học bổng “Chương trình Phát triển Nhân tài” năm học 2023 – 2024. Ảnh: NTCC

Từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Những “thành phố học tập toàn cầu”

Lớp học 0 đồng của anh Nguyễn Tuấn Nam cùng ông Phan Văn Anh - Bí thư Chi bộ khu dân cư Trung Bình A3 (Thạc Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng) được duy trì suốt 3 năm nay. Gần 20 học sinh theo học Anh văn và vẽ tại đây phần lớn là con em gia đình lao động có hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên địa bàn. Sách vở, bàn ghế, máy chiếu cùng một số dụng cụ phục vụ việc học được chi hội phụ nữ, đảng viên và người dân địa phương đóng góp.

Anh Nguyễn Tuấn Nam cho biết: “Đa số học sinh lớp học 0 đồng đã theo học tiếng Anh, vẽ được 2 năm. Hiện hầu hết đạt khả năng nghe, nói cơ bản và tự tin giao tiếp với giáo viên”. Lớp còn thường xuyên tổ chức hoạt động dã ngoại, tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp với người nước ngoài tại những điểm du lịch ở Đà Nẵng, Hội An.

Với cách làm sáng tạo, thiết thực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp trồng người tại địa phương, Chi hội khuyến học tộc Trần Đình thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trở thành lá cờ đầu về phong trào khuyến học - khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học và nhiều năm liền đạt danh hiệu “Dòng họ học tập tiêu biểu”, được Trung ương Hội khuyến học, UBND thành phố tuyên dương, khen thưởng.

Ông Trần Đình Lăng - Chi hội trưởng Chi hội khuyến học tộc Trần Đình cho biết: “Chúng tôi chú trọng giáo dục cho con cháu thấy được ý nghĩa của việc học tập, học tập suốt đời là “chìa khóa” để mỗi người có một nghề, việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng”.

Trong 5 năm qua (2018 - 2023), có 605 lượt học sinh các cấp được khen thưởng với số tiền hơn 119 triệu đồng và giúp đỡ, hỗ trợ 36 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 18 triệu đồng, giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập. “Kết quả công tác khuyến học - khuyến tài đã tác động đến phong trào thi đua học tập, rèn luyện của các cháu, số con dân trong tộc có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học ngày càng tăng. Nhiều người có chuyên môn cao, tay nghề giỏi, năng lực và uy tín trong xã hội. Đó là những nhân tố tích cực, tiêu biểu, góp phần làm rạng danh dòng tộc”, ông Trần Đình Lăng khẳng định.

Có được kết quả trên, theo ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng, nhiều năm qua, thành phố tập trung phát triển mạnh mẽ mạng lưới khuyến học từ thành phố đến cơ sở. Hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động; khơi dậy và phát huy truyền thống khuyến học, huy động các nguồn lực; bước đầu ứng dụng chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân bình đẳng trong tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình. Từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT thành phố trong thời kỳ mới.

Nhiều chỉ tiêu của Đà Nẵng đạt và vượt khi so sánh mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tại Quyết định 387 và Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, gia đình học tập vượt 11,82%; dòng họ học tập vượt 8,57%; cộng đồng học tập vượt 13,57%; đơn vị học tập vượt 17,19%.

“Đây là cơ sở đặt bệ phóng phấn đấu đến năm 2025 Đà Nẵng sẽ được UNESCO ghi danh vào danh sách thành phố học tập toàn cầu”, ông Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố chia sẻ.

Nhin lai de huong toi 2.jpg
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tham gia chương trình Học bổng Học tập trải nghiệm do cựu học sinh nhà trường hỗ trợ từ năm 2021 – 2024 với kinh phí 100 triệu đồng/năm. Ảnh: NTCC

Xây dựng chân đế vững chắc

Dù đạt được thành công nhất định song ông Nguyễn Minh Hùng nhìn nhận: Triển khai các mô hình xã hội học tập từ quận, huyện, xã, phường đến tổ dân phố, thôn và từ tổ dân phố, thôn đến công dân nhiều nơi còn lúng túng, nhất là việc đánh giá công dân học tập thay đổi theo các nhóm đối tượng của bộ tiêu chí hiện nay. Mô hình xây dựng đơn vị học tập và công dân học tập trong các cơ quan, đơn vị cấp quận, huyện và cấp thành phố còn thiếu sự quan tâm và triển khai cần thiết nên chưa đạt yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, bộ máy nhân sự của Hội Khuyến học các cấp theo quy định cũ không còn phù hợp cả về năng lực, chế độ chính sách… nên khó đảm đương trọng trách với những mục tiêu mới, giải pháp lớn của một thành phố học tập.

Để phong trào học tập suốt đời thực sự đi vào cuộc sống bền vững, đều khắp, hiệu quả, theo ông Nguyễn Minh Hùng, chính quyền các cấp cần quan tâm đến nhiệm vụ mới của khuyến học trong giai đoạn 2023 - 2030; tình hình nhân sự, tài chính, vị trí việc làm, điều kiện làm việc cho đội ngũ khuyến học các cấp, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước giao. Điều này thể hiện thông qua việc ban hành quy chế, phê duyệt đề án vị trí việc làm, bố trí ngân sách hoạt động và chi con người hằng năm…

Trong khi đó, GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng: “Người dân Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học, các gia đình luôn khuyến khích, động viên con cháu học hành và có nhiều đầu tư cho việc học.

Nhiều hình thức động viên, khuyến khích việc học tập của con em, người lao động như quỹ khuyến học dòng họ; quỹ học tập nâng cao trình độ của các đơn vị, doanh nghiệp… Tuy nhiên, cần phải có cách làm đổi mới, mang tính hiệu quả căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng… trong xây dựng xã hội học tập”.

Theo GS.TS Trần Văn Nam, xã hội học tập, suy cho cùng bắt đầu từ nền tảng giáo dục gia đình mà chúng ta hay gọi là nếp nhà. Chẳng hạn như, phụ huynh phải gương mẫu khi tham gia giao thông mới có thể làm gương và hình thành thói quen cho con em.

Nếu không nêu gương thực sự thì mọi phương pháp giáo dục, giải pháp đối với thế hệ trẻ sẽ không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Xã hội học tập, vì vậy, không chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, hình thành năng lực nghề nghiệp mà còn là những lớp học về cách đối nhân xử thế, kỹ năng để sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh hay các buổi tập huấn phổ biến bộ luật căn bản như Luật giao thông, Luật Hình sự, Luật về quyền trẻ em…

Theo GS.TS Trần Văn Nam, yếu tố quan trọng để xây dựng xã hội học tập là phải tạo dựng được văn hóa hiến tặng, tài trợ và hỗ trợ cộng đồng từ những cá nhân. Nếu có tầm nhìn, sứ mạng rõ ràng, minh bạch, cơ chế quản trị tốt, với thời đại toàn cầu hóa, những người giàu có sẽ mong muốn đầu tư, tài trợ cho giáo dục Việt Nam phát triển; rút ngắn khoảng cách với giáo dục các nước tiên tiến để một ngày không xa sẽ có những trường đại học Việt Nam xứng tầm thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.