Xây dựng xã hội học tập tại Ninh Bình: Nền tảng của thành tựu, đổi mới

GD&TĐ - 8 năm xây dựng xã hội học tập (XHHT) tại Ninh Bình (giai đoạn 2013 - 2020) đã tác động tích cực và sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân và các mặt của đời sống xã hội. XHHT góp phần tạo nên một Ninh Bình “thay da đổi thịt” trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là thành tựu trong giáo dục.

Ninh Bình đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (GV và HS Trường Tiểu học Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). 	Ảnh: NTCC
Ninh Bình đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (GV và HS Trường Tiểu học Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Ảnh: NTCC

Nhiều mục tiêu “cán đích” 

Xây dựng XHHT giúp Ninh Bình đạt được 4 mục tiêu quan trọng: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; Nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn; Giáo dục kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng tốt hơn. 

Một trong những mục tiêu hoàn thành ấn tượng phải kể tới là công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục. Ninh Bình đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học mức độ 3; phổ cập GD THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 của toàn tỉnh Ninh Bình đạt 99,95%; 100% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ…

Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình khẳng định: Trong xu thế hội nhập và phát triển, việc xây dựng XHHT với những nội dung GD thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời với mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) là việc làm ý nghĩa, quan trọng góp phần “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cũng cho biết: Thông qua giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình và năng lực cán bộ, giai đoạn từ 2013 - 2020, việc nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho CB, CC, VC của thành phố Ninh Bình đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. 

Đến nay, Ninh Bình có 1.940 CB, CC, VC có chứng chỉ tin học trình độ A, B, đạt tỷ lệ 100%. Có 1.224 CB, CC, VC có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 3 đạt tỷ lệ 63%; 100% CB, CC, VC thành phố được đào tạo nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn quy định…

Bà Mai Thị Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) chia sẻ: Từ năm 2013 đến nay, TTHTCĐ xã Ninh Vân đào tạo được 9 lớp trung cấp nghề với hơn 300 học viên và 2 lớp CĐ nghề với trên 60 học viên. Học viên sau khi tốt nghiệp các khóa học nghề chế tác đá tại TTHTCĐ xã Ninh Vân đã tích cực áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất của gia đình, đem lại năng suất, hiệu quả cao.

Hầu hết học viên học nghề chế tác đá đều nắm được kiến thức, kỹ năng nghề, được các doanh nghiệp, cơ sở đá mỹ nghệ tiếp nhận vào làm việc, có mức thu nhập ổn định. Một số người sau khi học nghề đã vay vốn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Nhiều học viên trở thành giám đốc doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất chế tác đá.

Theo kết quả khảo sát của TTHTCĐ xã Ninh Vân, tỷ lệ học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khóa học nghề khoảng 90% và làm việc chủ yếu tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. TTHTCĐ xã Ninh Vân trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong và ngoài xã về công tác phối kết hợp đào tạo nghề…

Phát huy sức mạnh từ XHHT

HS Ninh Bình tham gia ngày hội đọc sách tại Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời. Ảnh: IT
HS Ninh Bình tham gia ngày hội đọc sách tại Tuần lễ hưởng ứng Học tập suốt đời.     Ảnh: IT

Theo ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình: Xây dựng XHHT tại địa phương giai đoạn vừa qua cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại phải tháo gỡ. Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh Ninh Bình đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý để phát huy trong giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình xây dựng XHHT, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền là nhân tố quyết định thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng XHHT ở các địa phương…;

Cùng đó coi trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trở thành việc làm tự nguyện, tự giác, có mục tiêu, mục đích của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị..

Đặc biệt, các cơ quan quản lý GD-ĐT cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, Hội đồng nhân dân và UBND trong việc đề ra những chủ trương, chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức. Cơ quan quản lý GD-ĐT cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Hội Người cao tuổi… trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, lực lượng xã hội khác tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng XHHT và hỗ trợ cho các TTHTCĐ.

Việc củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở GDTX phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đầu tư đồng bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục cho các cơ sở này cũng là việc làm ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả xây dựng XHHT.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định: Để XHHT tại Ninh Bình trong giai đoạn tới tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh Ninh Bình đã xác định sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về học tập suốt đời.

Mặt khác củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường. Việc huy động các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng XHHT được đẩy mạnh. Đặc biệt, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích người học... 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ