Thầy cô là người quyết định chất lượng giáo dục
Trong bối cảnh hiện nay, một vài “hạt sạn” được các đơn vị thông tin truyền thông đưa tin như bạo lực học đường, thầy đánh trò… đã làm cho văn hóa nhà trường, các giá trị, chuẩn mực của nhà trường phổ thông ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì vậy, xây dựng văn hóa nhà trường là việc làm cần thiết trong quá trình đổi mới giáo dục.
Theo ThS Đào Thị Mộng Ngọc, văn hóa có 4 chức năng chính là giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, giải trí, trong đó chức năng giáo dục giữ vai trò chủ đạo. Chức năng giáo dục liên quan trực tiếp đến chất lượng dạy học bởi hoạt động này giữ vai trò chính yếu trong nhà trường cũng như trong việc tạo nên hình ảnh, văn hóa nhà trường.
Quá trình dạy học ở trường phổ thông không phải gồm một hai thành tố riêng lẻ mà tổ hợp thành nhiều thành tố như mục tiêu, nội dung, phương tiện, hoạt động của thầy, trò, hình thức tổ chức dạy học, môi trường dạy học, kiểm tra đánh giá, chương trình, SGK... Mỗi yếu tố có một vị trí, vai trò nhất định đối với quá trình dạy học.
ThS Đào Thị Mộng Ngọc cho rằng, chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy học chỉ có thể được nâng lên, phát triển theo hướng tích cực khi có sự tham gia của tất cả các yếu tố đó. Một yếu tố nào đó lạc hậu sẽ kìm hãm sự phát triển của quá trình dạy học.
Trong những yếu tố trên, yếu tố GV giữ vai trò quyết định chất lượng của quá trình dạy học bởi lẽ, người GV quyết định hầu hết các yếu tố còn lại: Mục tiêu nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá, thực hiện chương trình, SGK….
Nhân cách thầy cô tác động đến trò
Văn hóa nhà trường được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố giáo viên và học sinh với giá trị nhân cách của họ góp phần tạo nên văn hóa nhà trường. Nhân cách của thầy cô giáo tác động trực tiếp đến nhân cách của học sinh.
Lý luận Giáo dục học đã chỉ ra, nhân cách của học sinh được hình thành và phát triển trong sự chi phối của ba yếu tố: bẩm sinh (yếu tố con người sinh học), môi trường và giáo dục, trong đó, yếu tố GD với GV giữ vai trò chủ đạo, tác động mạnh mẽ đến nhân cách học sinh. Đối với học sinh, văn hóa nhà trường tích cực sẽ tạo ra một môi trường học tập có lợi nhất.
Ở đó sự chủ động được khuyến khích, học sinh được tạo động lực học tập, sáng tạo và phát huy năng lực cá nhân. Môi trường học tập thân thiện với sự yêu thương của thầy cô, bạn bè sẽ giúp các em có lối sống hướng thiện, quan tâm đến người khác, góp phần quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách học sinh.
Ảnh minh họa |
4 định hướng trong đào tạo GV
Theo ThS Đào Thị Mộng Ngọc, GV có vai trò quan trọng trong sự nghiệp GD nói chung cũng như trong việc xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường. Riêng ở cấp phổ thông, việc đào tạo GV phải và nên đảm bảo một số định hướng như:
Thứ nhất, GV cần phải giỏi, uyên bác về chuyên môn.
Người GV giỏi, uyên bác về chuyên môn góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ trò giỏi, tạo nên hình ảnh nhà trường tốt đẹp. Thế nên, trong việc đào tạo giáo viên, các học phần kiến thức chuyên môn luôn luôn chiếm phần lớn trong chương trình đào tạo. Ngày nay, thời đại bùng nổ thông tin, kiến thức lạc hậu, nhanh chóng, nhiều kiến thức sẽ lạc hậu ngay sau khi sinh viên vừa tốt nghiệp nên việc đào tạo sẽ theo định hướng khuyến khích sinh viên tự tìm tòi, nghiên cứu, tự học…
Ví dụ sinh viên dạy lịch sử khi thực hành nghiệp vụ sư phạm trên giảng đường sẽ được dạy theo hệ thống các bài đúng tiến trình trong SGK, tuy nhiên, từ năm học 2021 - 2022, chương trình môn Lịch sử lớp 10 sẽ dạy theo chủ đề và chuyên đề.
Vì vậy, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, phát triển năng lực tự học, học suốt đời sẽ là những quan điểm dạy học được khuyến khích trong quá trình đào tạo GV.
Thứ hai, GV phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ
Kĩ năng nghiệp vụ sư phạm chính là bề nổi, tạo nên phong cách của mỗi GV cũng như văn hóa của mỗi nhà trường. Hệ thống kỹ năng nghiệp vụ sư phạm thường được rèn luyện ở sinh viên sư phạm chủ yếu gồm các nhóm: Kỹ năng chuẩn bị học bài lịch sử, kỹ năng thực hiện bài tập lịch sử, kỹ năng đánh giá kết quả học tập lịch sử….
Trong bối cảnh hiện nay, kỹ năng mềm cũng cần được bổ sung vào chương trình đào tạo giáo viên, trên hết là kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Những hạt sạn, điểm tối trên bức tranh thực trạng văn hóa nhà trường đã đề cập, suy cho cùng cũng do việc thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Ngoài ra còn một số kỹ năng khác cũng quan trọng không kém như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác….
Thứ ba, GV cũng phải đam mê, hết lòng vì nghề
Ngành nghề nào cũng cần sự đam mê, tâm huyết, nghề giáo cũng vậy. Sự đam mê tâm huyết đóng vai trò quan trọng hơn cả, tâm huyết giúp người GV tự trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, vượt qua những thiếu thốn về vật chất để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục. Sự đam mê, tâm huyết giúp người GV tự tích cực, chủ động, đổi mới phương pháp, không trông chờ vào sự chỉ đạo, mệnh lệnh ban hành từ cấp trên.
Thứ tư, GV phải hiểu được đối tượng GD
Hiểu được đối tượng GD có vai trò vô cùng quan trọng bởi nhờ đó, GV sẽ biết cách tác động cho phù hợp.
Nếu cần một slogan thể hiện định hướng trong đào tạo GV giúp phát triển sự nghiệp GD cũng như xây dựng văn hóa nhà trường, theo ThS Đào Thị Mộng Ngọc sẽ là “Tâm, tầm, tài”. “Tâm” ở đây là sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, yêu thương trẻ. “Tầm” ở đây là tầm nhìn, sự nhìn xa trông rộng, biết thời, biết thế, biết thích nghi với hoàn cảnh. “Tài” ở đây là tài năng, năng lực, là sự giỏi trong chuyên môn, nghiệp vụ.