Xây dựng văn hóa nhà trường: Vai trò “đầu tàu” của hiệu trưởng

GD&TĐ - “Trong trường phổ thông, hiệu trưởng vừa là người lãnh đạo, vừa là người quản lý mọi hoạt động của nhà trường. Phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống của người hiệu trưởng ảnh hưởng đến sự phát triển chung và bản sắc văn hóa riêng của nhà trường”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là chia sẻ của thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2, Nghệ An về vai trò của hiệu trưởng đối với phát triển văn hóa nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Định hướng các giá trị văn hóa

Nói về vai trò của hiệu trưởng trong việc phát triển văn hóa nhà trường, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho rằng: Hiệu trưởng quyết định việc hình thành các chuẩn mực, giá trị cốt lõi, niềm tin trong nhà trường. Sự quan tâm, chú ý của hiệu trưởng vào các vấn đề sẽ ảnh hưởng chi phối văn hóa nhà trường.

Để phát triển bản sắc văn hóa nhà trường, hiệu trưởng vừa thực hiện vai trò của một nhà quản lý vừa thực hiện vai trò của một nhà lãnh đạo. Với vai trò lãnh đạo nhà trường, hiệu trưởng chính là người định hướng và là tiêu biểu cho văn hóa nhà trường, là tâm điểm thống nhất các giá trị trong trường học.

Đồng quan điểm với việc đề cao vai trò “đầu tàu” của hiệu trưởng trong xây dựng văn hóa nhà trường, GS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Qua quá trình xây dựng và lãnh đạo nhà trường, hệ tư tưởng, tính cách và những niềm tin, hoài bão lớn lao của người hiệu trưởng sẽ định hình trong triết lý nghề nghiệp và nó được phản chiếu lên văn hóa nhà trường”.

Mỗi nhà trường đều có lịch sử tồn tại và phát triển. Sự tồn tại và phát triển qua thời gian đã tạo ra những giá trị văn hóa nhất định. Do đó, hiệu trưởng cần phải nhận ra đâu là những giá trị văn hóa đích thực, cốt lõi, có giá trị đặc trưng của nhà trường tạo nên sự khác biệt về bản sắc với các trường khác để nuôi dưỡng, vun trồng. Sự lựa chọn đó phản ánh kinh nghiệm, tài năng, cốt cách văn hóa, cá tính và những triết lý, tầm nhìn riêng của người đứng đầu.

Trong quá trình phát triển văn hóa nhà trường, việc nêu gương, tuân thủ các giá trị chung của hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng. Hiệu trưởng trở thành một biểu tượng nhân cách văn hóa tiêu biểu trong việc thực hành các giá trị văn hóa nhà trường để mọi thành viên tin tưởng đi theo con đường đã được lựa chọn.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Động lực để đổi mới giáo dục

Thầy giáo Phan Trọng Đông cho rằng: Văn hóa nhà trường là một vấn đề trong quản trị chiến lược. Bên cạnh việc quyết định và xây dựng hệ giá trị văn hóa nhà trường, hiệu trưởng phải là người đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đã đề ra, chứng minh tính hiệu quả để làm động lực gắn kết mọi thành viên trong nhà trường cùng thực hiện và noi theo.

Để xây dựng văn hóa nhà trường trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay, trước hết hiệu trưởng phải là tấm gương sáng về đạo đức văn hóa nhà giáo, đồng thời cần phải hướng tới những giá trị văn hóa có tính biểu tượng, thể hiện mục tiêu khát vọng mà tập thể nhà trường hướng tới.

Tuy nhiên, để có được những giá trị đó, GS Nguyễn Thị Hoàng Yến khẳng định: Hiệu trưởng nhà trường là người xác định sự nghiệp của mình là hoạt động và phát triển GD. Việc tập trung thời gian, công sức, trí tuệ vào hoạt động GD, phát triển nhà trường trở thành niềm đam mê của họ và họ cảm thấy được thỏa mãn và hạnh phúc lớn lao khi được cống hiến cho sự nghiệp GD. Đó là động lực lớn để người hiệu trưởng hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế, người đứng đầu cần phải xây dựng hệ thống quản lý theo phương thức hiện đại trên cơ sở quy trình hóa và tiêu chuẩn hóa để có thể kiểm soát được quá trình và chất lượng đầu ra. Hiệu trưởng phải là người có khả năng nhạy bén, phản ứng nhanh và thích nghi với sự đổi thay của môi trường trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Theo GS Nguyễn Thị Hoàng Yến, hiệu trưởng ngày nay phải thiết lập mối quan hệ với cộng đồng thông qua truyền thông và các mối quan hệ xã hội, từ đối tượng người học, các đối tác, cơ quan quản lý, mọi cộng đồng xã hội liên quan.

“Để xây dựng văn hóa nhà trường trong điều kiện xã hội hiện nay, trước hết hiệu trưởng phải là tấm gương sáng về đạo đức văn hóa nhà giáo, đồng thời cần phải hướng tới những giá trị văn hóa có tính biểu tượng, thể hiện mục tiêu, khát vọng mà tập thể nhà trường hướng tới”.
Thầy giáo Phan Trọng Đông 

Người hiệu trưởng cần có tính quyết đoán, độc lập, không thể lệ thuộc, không thể chờ vào sự hướng dẫn của người khác để do dự, thụ động mà chỉ có thể tham khảo mọi ý kiến, tư vấn để đưa ra quyết định một cách tự tin. Phải có bản lĩnh thì mới đưa ra được quyết định chiến lược, các phương án hoạt động, các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn để lãnh đạo tổ chức đi đến thành công.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết thống nhất là nhân tố quyết định thắng lợi của tập thể nhà trường. Trong môi trường sư phạm, giá trị của sự đoàn kết hết sức quan trọng. Nó tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của các cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp GD. Chính vì vậy, người đứng đầu nhà trường phải ý thức và nêu gương về tinh thần đoàn kết, thân ái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.