Tại đây, nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo công nghệ, mô hình giảng dạy tích hợp, mô hình lớp học đảo ngược được chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng thực tế.
Cụ thể như “Mô hình dạy học sáng tạo trong giáo dục thông minh”, hệ thống giáo dục 4.0 hướng đến người học làm trọng tâm với các mô hình giảng dạy, học tập linh hoạt. Hay “Mô hình giáo dục thực tế ảo (Virtual Reality – VR) trong giáo dục STEM” lại giúp người học cảm nhận không gian mô phỏng một cách chân thực nhờ kính nhìn 3 chiều (kính thực tế ảo).
Với công nghệ số 4.0, học sinh có thể tham gia lớp học mặc dù ở những địa điểm khác nhau; giáo viên ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; học sinh kiểm tra, làm bài thi trực tiếp trên máy tính...
Bên cạnh đó, trường học thông minh hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng môi trường học tương tác trên không gian mạng của nhà trường, gia đình và xã hội.
Không thể phủ nhận tính ưu việt của trường học thông minh, tuy nhiên một số lãnh đạo các trường lo ngại về các điều kiện thực hiện như bài toán về kinh tế, sĩ số học sinh, điều kiện CSVC… nên cần có lộ trình thực hiện và thí điểm.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD&ĐT TP cho biết Dự án đầu tư trường học thông minh là một trong những bước chuẩn bị để xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh vào 2018-2020, tầm nhìn 2025.
Thời gian qua, TP cũng đã có những quan tâm và đầu tư để các trường học có những cơ sở dữ liệu, bảng tương tác, những thiết bị công nghệ hiện đại. Thế nhưng, để vận hành, đưa vào cuộc sống, thể hiện mối quan hệ thông minh giữa thầy cô giáo với học sinh, với phụ huynh và công tác quản lý, nâng chất lượng dạy-học, trở nên rất quan trọng.