Giáo viên chủ nhiệm thời đại 4.0

GD&TĐ - “Trong cuộc sống có quá nhiều thông tin gây sốc khiến những người lạc quan nhất cũng thấy thất vọng, khiến tuổi trẻ đôi khi mất đi niềm tin vào cuộc sống và những điều tốt đẹp,… thì thầy cô đã mang đến cho các con những câu chuyện về sự tử tế, mang đến cho các con sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương qua rất nhiều việc làm bình dị hàng ngày.

Giáo viên chủ nhiệm thời đại 4.0

Tất cả những điều đó đã nuôi dưỡng tâm hồn đẹp đẽ và niềm tin trong sáng vào con người ở mỗi học sinh, là bài học thực tiễn để nhắc nhở các con biết sống đúng, sống đẹp với đạo lý làm người” - Thầy Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) chia sẻ với các hiệu trưởng và GV những suy nghĩ về vai trò của người thầy với HS ở trường (tại Hội thảo “Bởi chúng ta là giáo viên chủ nhiệm thời đại 4.0” vừa tổ chức đầu tháng 3 này).

Trong cuộc sống “số hóa”, người thầy cần dẫn đường để HS không lạc lối

Tại sao chúng ta lại là GVCN thời đại 4.0? Là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) thời đại 4.0 chúng ta đã làm được những điều gì khác biệt? Và chúng ta sẽ làm gì để khắc phục điểm yếu của thời đại 4.0?

Theo thầy Nam, Thế giới thay đổi như vũ bão, thời gian để tạo ra một thế hệ học sinh mỗi ngày thêm ngắn lại, mỗi thế hệ có những đặc điểm riêng, đầy mới mẻ,…. Giáo dục sẽ làm gì và thay đổi như thế nào? Các thầy cô giáo sẽ làm gì và thay đổi như thế nào?

Cha mẹ học sinh cần làm gì và thay đổi như thế nào, để thích ứng với thời đại số hóa, các thiết bị công nghệ điện tử, máy tính và mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và các con sẽ lớn lên để trở thành công dân của những thành phố thông minh và Chính phủ điện tử?

“Để thích ứng với cuộc sống đó, các HS cần những người dẫn đường để không lạc lối, chính từ nhận thức đó, các thầy cô giáo của chúng ta đã thay đổi để trở thành những GVCN thời đại 4.0” - Qua thực tế quản lý nhà trường, cùng các GVCN giải quyết những tình huống hóc búa trong vai trò “người cha, người mẹ” ở trường, thầy Nam rút ra bài học “Có thể nhận thấy các thầy cô đã thay đổi thật nhiều nhằm dạy cho học sinh những điều cần thiết để thích ứng với những đổi thay của cuộc sống.

Thay vì chỉ tập trung vào những kiến thức lý thuyết phục vụ các kỳ thi, các thầy cô đã định hướng cho HS những điều cần hướng tới của một con người tương lai với những kỹ năng cần thiết trong thời đại số, cách ứng xử văn minh, lịch sự và sử dụng mạng xã hội như một công cụ kết nối mang lại nhiều lợi ích”.

Là GVCN thời đại 4.0, các thầy cô giáo đã phải thay đổi để phát huy tối đa hiệu quả của CNTT giúp cho các hoạt động trong nhà trường, trong lớp học trở nên ấn tượng, lung linh sắc màu, đó là những buổi sinh hoạt lớp khi học sinh được tự nói về mình, về bạn bè mình với những hình ảnh minh họa sống động, đậm chất học trò; là những buổi họp phụ huynh học sinh “khác thường” với những phần trình bày, những trò chơi tương tác giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh và học sinh; với những clip hình ảnh ghi lại những ngày tháng học tập và hoạt động sôi nổi, hạnh phúc, để từ đó các bậc cha mẹ hiểu thêm được nhiều điều mới mẻ về chính người con của mình.

Lòng nhân ái khiến không một robot hiện đại nào có thể thay thế người thầy

Không thể phủ nhận những tiện ích mà thời đại số mang lại và chắc chắn “cách mạng 4.0” sẽ còn mang lại nhiều điều kỳ diệu hơn nữa cho con người trong tương lai. Có người nhận định 14 năm nữa robot sẽ dạy học cho con người.

Thầy Nam chia sẻ một câu chuyện chính thầy đã chứng kiến: “Chiều mùa đông lạnh giá, một vị phụ huynh đến phòng làm việc tâm sự với tôi về đứa con của mình: cháu nó suốt ngày tự nhốt mình trong phòng, sống ảo, chẳng ăn cơm cùng mọi người, không mấy khi trò chuyện với gia đình…

Thời đại số và trí thông minh nhân tạo ở đây không thể giải mã để giúp cho người con hiểu nỗi buồn của người cha, nỗi lo của người mẹ, cái lắc đầu của người thân trong gia đình khi thấy con sống ngày một thu mình, khép kín... Rồi sự đổi thay kỳ diệu đã đến khi GVCN đã giúp HS của mình thay đổi, vượt qua những khó khăn để kết nối lại với gia đình, bạn bè và cuộc sống, trở về đúng với hồn nhiên của lứa tuổi.

“Trái tim cô giáo hẳn phải rộng lớn hơn trái tim người bình thường, vì cô là một nhà giáo dục”- Lời bày tỏ biết ơn của một phụ huynh “tìm lại được đứa con” khó bảo của mình mà thầy Nam cho rằng đó là câu chuyện khiến những GV đến trường mỗi ngày phải suy nghĩ nhiều về sứ mệnh của mỗi thầy cô giáo trong thời đại cách mạng 4.0.

“Một trong những điểm yếu lớn nhất của trí tuệ nhân tạo và các robot là kỹ năng tương tác xã hội, khả năng nhận thức của nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo kém hơn một đứa trẻ 6 tuổi.

Những điểm yếu của trí tuệ nhân tạo, những gì trí tuệ nhân tạo không vươn tới được, công nghệ hiện đại không thể kết nối được chính là nơi để chúng ta khẳng định sứ mệnh của mình - của những thầy giáo, cô giáo mang trong mình một trái tim ấm nóng và rộng lớn, một tâm hồn bao dung và độ lượng, một tấm lòng nhân ái luôn trân trọng con người” -Thầy Nam chia sẻ

“Có thể một ngày kia robot sẽ dạy học cho con người, nhưng lý trí và cảm xúc, sự hy sinh và tinh thần cống hiến, khả năng kết nối và truyền cảm hứng để làm nên những đổi thay quyết định đến số phận con người thì vĩnh viễn là sứ mệnh của các thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo làm công tác chủ nhiệm”.

Có thể nhận thấy thầy cô chúng ta đã thật sự thay đổi khi không dạy học như những người thợ chỉ cố rót đầy kiến thức vào HS, thầy cô đã là những nhà tâm lý, là những nhà giáo dục, những người mang đến cho HS ánh sáng của tri thức và yêu thương - nguồn sáng diệu kỳ đã làm thay đổi HS của chúng ta và xa hơn, nhiều phụ huynh học sinh cũng đã thay đổi để thêm tâm huyết đồng hành cùng thầy cô và nhà trường tạo nên trên con đường của GD hiện đại, một phong cách GD đầy tính nhân văn, luôn hướng về HS, hướng về con người và vì sự phát triển trong hạnh phúc của con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.