Trường học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc khi giáo viên lắng nghe và thay đổi

GD&TĐ -  Ngày 28/12, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức tọa đàm xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục. 

Cô Nguyễn Thị Hoa, Phó hiệu trưởng hệ thống Trường liên cấp Chu Văn An, Quảng Bình chia sẻ về trường học hạnh phúc.
Cô Nguyễn Thị Hoa, Phó hiệu trưởng hệ thống Trường liên cấp Chu Văn An, Quảng Bình chia sẻ về trường học hạnh phúc.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhóm nghiên cứu của ThS Giang Thiên Vũ, Khoa Tâm Lý, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên 8.600 học sinh ở góc độ sàng lọc về sức khỏe tinh thần.

Kết quả cho thấy có 1.117 học sinh (12.92%) bị stress ở mức độ nặng và rất nặng. 1.952 học sinh (22,58%) trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.177 học sinh (13,62%) có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng.

Theo ThS Thiên Vũ, nguyên nhân do áp lực bài vở, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập; áp lực từ cha mẹ, sang chấn về mặt hệ thống; áp lực từ bạn bè, chưa được quan tâm đến đời sống tinh thần một cách đầy đủ, không có kỹ năng ứng phó với những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống.

Đưa ra những con số khảo sát của nhóm, ThS Thiên Vũ minh chứng cho việc nếu học sinh phải chịu áp lực học hành, thi cử, stress và trầm cảm thì sẽ rất khó có được niềm vui và hạnh phúc. Đây là điều mà nhóm nghiên cứu mong muốn gửi đến phụ huynh, nhà trường để cùng nhau thay đổi và đồng hành cùng học sinh.

“Nếu học sinh phải thường xuyên đối mặt với những áp lực trên mà không nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ thầy cô, bạn bè thì rất khó để các em có được môi trường học tập, không gian học tập hạnh phúc.

Để có trường học hạnh phúc thì người thầy, cô phải là những người hạnh phúc trước. Học sinh cảm thấy mình được lắng nghe, sống với chính con người mình và được vui cười trong niềm hạnh phúc của thầy cô. Muốn có được điều đó, cần phải có nhiều yếu tố kết hợp lại như sự thấu cảm, chia sẻ và sự an nhiên trong tâm hồn” – ThS Vũ chia sẻ.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ tại tọa đàm.

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ tại tọa đàm.

Nhìn nhận việc chia sẻ, lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc dù là nhỏ nhất có vai trò rất lớn để xây dựng một trường học hạnh phúc, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng muốn có trường học hạnh phúc thì học sinh phải được chơi, được cười, được vận động, được là chính mình…

“Học sinh không em nào giống em nào. Chỉ khi học sinh được là chính mình, thoải mái tư duy, vui chơi... sẽ gián tiếp tạo ra những hạnh phúc trong các em…. Trường học hạnh phúc khi học sinh cảm thấy mình hạnh phúc. Người hạnh phúc là người mang lại hạnh phúc cho mọi người” - GS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

GS Sơn tin rằng mỗi thầy cô giáo nếu muốn mình hạnh phúc thì điều quan trọng là chọn đúng nghề ngay từ ban đầu, cần có sự nghiêm túc trong việc chọn nghề. Bản thân giáo viên, thầy cô giáo cần phải thay đổi chính mình, đồng cảm, chia sẻ bằng những hành động nhỏ nhất như: tết tóc cho học sinh, khen ngợi các em, hỏi han việc học. Có như thế thì thầy cô mới có thể từ từ len lỏi vào vào tâm hồn học sinh để tạo nên một lớp học hạnh phúc.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Xuân Yến, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng để bản thân được hạnh phúc, để học sinh được hạnh phúc, để trường học trở thành ngôi trường hạnh phúc thì người giáo viên phải thay đổi. Tất nhiên thay đổi để hạnh phúc là một quá trình. Nhưng sự thay đổi từ phía thầy cô có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng được môi trường và lớp học hạnh phúc.

Một giáo viên chia sẻ các điều kiện để có một trường học hạnh phúc

Một giáo viên chia sẻ các điều kiện để có một trường học hạnh phúc

“William A.Warrd đã nói: Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng. Vì vậy, nếu ngày hôm nay mỗi thầy cô giáo dạy như ngày hôm qua là đã cướp đi ngày mai của học sinh.

Một khi từng giáo viên hạnh phúc, cả tập thể nhà trường hạnh phúc sẽ mang lại hạnh phúc cho các thế hệ học sinh. Chỉ cần thầy cô chịu thay đổi, hướng đến sự chia sẻ, lắng nghe và đồng cảm… mỗi ngày gieo một ít hạt yêu thương, tưới một chút nước biết ơn cho học sinh thì cây HẠNH PHÚC sẽ có ngày trổ hoa kết trái” – TS Yến nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.