Xây dựng trường đại học an toàn, không bạo lực với nữ giới

GD&TĐ - Ngày 10/10 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trong lĩnh vực giáo dục với chủ đề: Khuôn viên trường đại học an toàn, không bạo lực với nữ sinh viên giảng viên.

Các đại biểu tại lễ phát động.
Các đại biểu tại lễ phát động.

Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới trong lĩnh vực giáo dục, do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện trong đó có khuôn viên trường đại học không có bạo lực đối với mọi thành viên trong trường.

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Lê Thị Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên cho biết: Bạo lực học đường trên cơ sở giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và kết quả học tập, lao động của học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên trong trường.

Về lâu dài, những hành vi bạo lực như vậy có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển của đất nước. Vì vậy, xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và không bạo lực luôn là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của ngành Giáo dục.

Bà Lê Thị Hằng phát biểu khai mạc sự kiện
Bà Lê Thị Hằng phát biểu khai mạc sự kiện

Hơn 300 đại biểu tại sự kiện cũng có cơ hội tham gia đối thoại và giao lưu với diễn giả, đại diện của Bộ GD&ĐT, đại diện của UN Women về chủ đề này. Các lãnh đạo, chuyên gia đã giải đáp những câu hỏi vô cùng thiết thực, đang vướng mắc từ chính các bạn sinh viên về bạo lực trên cơ sở giới trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt trong khuôn viên trường đại học.

Tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khuyến nghị các trường và ngành Giáo dục thực hiện 10 hành động thiết yếu được khuyến cáo trên toàn cầu bởi UN Women để xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và không bạo lực gồm:

1. Tiến hành các khảo sát, nghiên cứu để đánh giá tình hình bạo lực giới học đường;

2. Ban hành các chính sách liên quan dựa vào bằng chứng về các loại hình bạo lực giới học đường mà học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và cán bộ nhân viên phải trải qua;

3. Phân công cán bộ điều phối ở các cấp trong ngành và tại các trường chuyên trách về công tác phòng, chống bạo lực giới học đường;

4. Ban hành các quy trình quy định chi tiết các thủ tục để xử lý các trường hợp bạo lực;

Các đại biểu ký cam kết “Khuôn viên trường đại học an toàn, không bạo lực với nữ sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên”
Các đại biểu ký cam kết “Khuôn viên trường đại học an toàn, không bạo lực với nữ sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên”

5. Thực hiện các biện pháp tạm thời và hỗ trợ cho các nạn nhân của bạo lực giới học đường;

6. Thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ;

7. Phân bổ ngân sách cho công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới học đường; 8. Cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân và kết nối nạn nhân đến các dịch vụ thiết yếu;

9. Triển khai các chương trình nâng cao nhận thức và vai trò của người chứng kiến trên toàn Ngành;

10. Đẩy mạnh các chương trình Thúc đẩy các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng, đồng thời thách thức các định kiến giới và chuẩn mực nam tính, nữ tính có hại cho công tác bình đẳng giới.

Khép lại Lễ phát động, đại diện của Bộ GD&ĐT, đại diện UN Women và đại diện các trường cùng tham gia ký cam kết “Khuôn viên trường đại học an toàn, không bạo lực với nữ sinh viên, giảng viên và cán bộ nhân viên”, nhằm thể hiện sự quyết tâm chung tay đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xóa bỏ bạo lực giới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.