Xây dựng thương hiệu, lời khuyên 'vàng' cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xây dựng thương hiệu rất quan trọng trong bối cảnh thị trường hiện nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu đúng giá trị vấn đề này.

Xây dựng thương hiệu, lời khuyên 'vàng' cho doanh nghiệp

Thương hiệu là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đối với từng sản phẩm, dịch vụ của cá nhân hay tổ chức. Bên cạnh đó, nói đến thương hiệu là nghĩ đến mức độ uy tín của cả doanh nghiệp. Chính vì vậy mà xây dựng thương hiệu trở thành một công việc có giá trị cốt lõi nếu doanh nghiệp hay tổ chức muốn phát triển vững mạnh.

Song song đó, việc tạo dựng được thương hiệu cá nhân (nhân hiệu) không chỉ giúp mỗi cá nhân gia tăng lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh mà còn thu hút khách hàng, là nhân tố quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp.

TS Lê Văn Sơn - Chuyên gia chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu cho biết, trên thế giới, thương hiệu được coi là giá trị cốt tủy của doanh nghiệp, có thương hiệu trị giá 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Nhưng ở Việt Nam, việc xây dựng, phát triển và định giá thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi xuất ngoại vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, các doanh nghiệp Việt xuất ngoại phải mượn danh này sẽ thiệt thòi đủ đường.

“Xây dựng thương hiệu Việt hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan, để người tiêu dùng Việt khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ lựa chọn hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp đó trong muôn vàn các hàng hoá cùng loại khác”, ông Sơn cho hay.

Vậy làm thế nào để xây dựng được thương hiệu, nhân hiệu trong "dòng chảy" 4.0? Đây là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đặt ra thế nhưng để trả lời nó lại không hề đơn giản. Xây dựng thương hiệu không khó, nhưng vấn đề là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa nhận thức đúng về thương hiệu, chưa nắm được quy trình hoặc chưa dành nhiều nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu.

Trước thực trạng này, dự án đào tạo trực tuyến E-learning hỗ trợ đào tạo từ xa của Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa nội dung về xây dựng thương hiệu vào chương trình đào tạo. Trong chuyên đề “Xây dựng thương hiệu, nhân hiệu 4.0” với 4 bài giảng từ cơ bản đến nâng cao, TS Lê Văn Sơn sẽ làm rõ vấn đề này.

Theo ông Sơn, khi mới khởi nghiệp, hầu hết các chủ doanh nghiệp thường tập trung mọi sức lực cho việc huy động vốn để phát triển sản phẩm, ít đầu tư xây dựng thương hiệu vì nghĩ rằng việc ấy vừa phức tạp, vừa tốn kém.

Trong khi đó, các chuyên gia tiếp thị đã đúc kết kinh nghiệm thực tế để đưa ra lời khuyên rằng doanh nghiệp trẻ phải xem xây dựng thương hiệu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và dành cho nó sự quan tâm thích đáng.

Từ đó, chuyên đề sẽ giúp người học hiểu rõ lý do, vai trò, lợi ích của việc xây dựng thương hiệu, các yếu tố tạo nên một thương hiệu thành công; Nắm được tổng quan về quy trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp khởi sự (xây dựng tầm nhìn thương hiệu, xây dựng chiến lược thương hiệu, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, lập kế hoạch quảng bá thương hiệu, đánh giá và đo lường sức khỏe thương hiệu); Nắm được các công cụ sử dụng trong quản trị thương hiệu; Biết cách sử dụng các giải pháp công nghệ, công cụ số trong công tác quản trị thương hiệu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ