Xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ giáo dục đại học

GD&TĐ - Với sự đồng hành của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Văn Lang (VLU) vừa tổ chức lễ khởi động dự án “Xây dựng khung pháp lý và nền tảng cho tài nguyên giáo dục mở nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam".

Lễ khởi động dự án diễn ra theo hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Ảnh chụp tại điểm cầu Trường Đại học Văn Lang.
Lễ khởi động dự án diễn ra theo hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến. Ảnh chụp tại điểm cầu Trường Đại học Văn Lang.

Theo đại diện VLU, dự án này nằm trong kế hoạch hành động đặc biệt của Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF)  nhằm nâng cao sự đóng góp của các trường đại học thành viên AUF trong việc phát triển các giải pháp có tác động tức thời về mặt công nghệ và xã hội để giúp hệ thống y tế và người dân đối phó với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Các đại biểu tham gia trực tuyến tại các điểm cầu.

Các đại biểu tham gia trực tuyến tại các điểm cầu.

Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, trước bối cảnh của dịch Covid-19, các trường đại học phải triển khai đào tạo trực tuyến với các giải pháp tối ưu hơn.

Nhu cầu về nền tảng tài nguyên giáo dục mở có chất lượng rất lớn song việc phát triển riêng lẻ nền tảng này đang gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ đồng hành của Bộ GD&ĐT và dựa trên kinh nghiệm dẫn đầu trong nền tảng chuyển đổi số, VLU mong muốn nghiên cứu khung pháp lý phục vụ việc phát triển nền tảng tài nguyên giáo dục mở cho các trường đại học; góp phần đảm bảo tính hiệu quả của đào tạo trực tuyến và ứng phó thành công với sự kéo dài của đại dịch.

“Thông qua dự án này, Trường ĐH Văn Lang mong muốn phát triển nền tảng số cho tài nguyên giáo dục mở, cho phép các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và công chúng được chia sẻ, sử dụng chung các nguồn tài liệu từ trường đại học này sang trường đại học khác một cách hợp pháp, không bị giới hạn về thời gian và không gian.

Dự án này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả 240 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Các khóa đào tạo về phương pháp giảng dạy từ xa sẽ được tổ chức cho 2.000 giảng viên đại học.

Về lâu dài, nền tảng này sẽ giúp các trường đại học chủ động trong việc triển khai giáo dục trực tuyến để đối phó với những rủi ro không lường trước được trong tương lai, tăng cường tính liên tục trong đào tạo: “Đóng cửa trường học trong khi vẫn duy trì việc học”, thích ứng với tình hình dịch bệnh, hướng tới việc xây dựng một nguồn tài nguyên giáo dục phục vụ cho tất cả mọi người và nhu cầu học tập suốt đời…” - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang chia sẻ.

Bên cạnh đó, bằng việc hình thành các tài nguyên giáo dục mở, các trường đại học sẽ có thể tiết kiệm nguồn tài chính để đầu tư cho các mối ưu tiên thay vì tập trung vào các khóa học trực tiếp.

Đối với các giảng viên và sinh viên, tài nguyên giáo dục mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham khảo, nghiên cứu và trao đổi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cải thiện năng lực và chất lượng giảng dạy và học tập.

Đồng thời, các nguồn tài nguyên giáo dục mở chất lượng, đáng tin cậy bằng tiếng Việt do người Việt Nam phát triển, do cơ quan chính phủ quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Pháp ngữ minh chứng tầm ảnh hưởng của AUF trong việc phát triển giáo dục đại học ở các nước đang phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ