Tham dự Hội thảo có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An.
Tích cực thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy
Số đông đại biểu tham dự Hội thảo có ý kiến cần tích cực thay đổi chương trình và phương pháp giảng dạy khi bàn các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho TPHCM.
Ngoài đổi mới phương pháp giảng dạy trong trường phổ thông theo huớng tích cực, hiện đại hóa, phát huy vai trò của giáo dục STEM trong các trường phổ thông. Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, cần phải nhanh chóng nâng cao năng lực tiếng Anh trong nhà trường (cho giáo viên giảng dạy, trình độ của học sinh) thông qua các chương trình tích hợp, tiên tiến… Song song đó là việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, cũng như tiếp tục đổi mới việc tổ chức dạy Toán, khoa học bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức cho rằng: Để TPHCM có được nguồn nhân lực chất lượng quốc tế thì phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhanh chóng xây dựng được một chương trình đào tạo theo mô hình quốc tế cho các nhà trường (theo bậc học) với chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM thì cho rằng: Nhân lực đạt trình độ quốc tế được nhận diện qua 5 yếu tố: Thứ nhất được đào tạo toàn diện, thứ hai có ngoại ngữ và kiến thức về quốc tế, thứ ba có kết nối với doanh nghiệp và kinh nghiệm thực tế, thứ tư có khả năng học tập suốt đời và cuối cùng có tinh thần khởi nghiệp.
Do đó, để tạo được nguồn nhân lực này, TPHCM và các trường ĐH phải cùng nhau xây dựng một trung tâm cải tiến công nghệ.
Khung trình độ quốc gia - chìa khóa cho vấn đề
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cũng cho rằng: Khung trình độ quốc gia chính là “xương sống” để chúng ta hướng đến việc xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng quốc tế. Khung trình độ quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, qua đó buộc công tác đào tạo nhân lực của chúng ta phải tương thích với không chỉ các nước Đông Nam Á mà còn với các khu vực khác trên thế giới như châu Âu, Úc…
“Ưu tiên của Việt Nam hiện nay là tiệm cận chuẩn mực đào tạo nguồn nhân lực của các nước trong khối APEC và ASEAN. Trong đó ASEAN đã và đang kêu gọi các thành viên xây dựng và tham chiếu khung trình độ quốc gia với nhau. Do đó, việc đánh giá chuẩn đẩu ra của các cơ sở đào tạo cần phải có sự hợp tác của các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp, Hội GDNN.
Để có chất lượng và đánh giá chuẩn đầu ra của mỗi chương trình, để được công nhận lẫn nhau trong nước và ngoài nước, các cơ sở đào tạo buộc phải đáp ứng các chuẩn mực tối thiểu như các nước. Trong đó, đảm bảo sự thống nhất chung về quy trình, số lượng, cấu trúc nhằm tạo ra các loại nhân lực chuẩn mực chung…Bộ GD&ĐT đã nỗ lực sửa đổi Luật GDĐH 2012, để tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp và xã hội”- Thứ trưởng Lê Hải An nói.
Đánh giá TPHCM là một đô thị đặc biệt, với tỉ trọng phát triển kinh tế cao nhất cả nước, bên cạnh đó có tới 54 cơ sở đào tạo ĐH trên địa bàn, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, Thứ trưởng tin tưởng các trường sẽ có đóng góp nhất định trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Lê Hải An, ngoài việc phải thường xuyên đảm bảo chất lượng đào tạo ngay từ bên trong (thông qua công tác tự đánh giá, kiểm định), các trường ĐH cần quan tâm, tìm hiểu các cơ hội để giúp sinh viên rèn luyện, xây dựng các kỹ năng mềm ngay trong quá trình đào tạo.
Đặc biệt, các trường cần chủ động hợp tác với doanh nghiệp, với các hiệp hội nghề nghiệp, hợp tác quốc tế với các trường ĐH, đối tác nước ngoài để cung cấp nhiều hơn nữa cơ hội việc làm cho sinh viên không chỉ trong nước mà còn có thể cạnh tranh với nguồn nhân lực trong khu vực và trên thế giới.