Từ đó, xây dựng được nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Muốn làm được điều này, cơ sở GD đại học đào tạo nguồn nhân lực phải cập nhật xu thế, thay đổi chương trình và phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu.
Nâng cao trách nhiệm của công chức
Từ kinh nghiệm của nước Pháp, ngài Béla Hégédus, Trưởng phòng Tư pháp - Pháp luật và Quản trị, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho rằng: Để xây dựng được nền công vụ liêm chính, minh bạch, cơ quan chức năng phải quan tâm đến các mối quan tâm của xã hội, xu hướng số hóa dịch vụ công…
GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Luật học nhấn mạnh: Người công chức phải có ý thức “tự vấn lương tâm” và suy nghĩ nghiêm túc về bổn phận của mình trong công việc. Nếu chưa làm đã nghĩ đến việc tư lợi sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng.
TS Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính Nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh để thúc đẩy nền công vụ trách nhiệm, mỗi công chức phải trở thành niềm tự hào của nền công vụ; phải tuyển chọn, đối đãi tốt để công chức không “tâm tư”; quản lý cho tốt, khi vi phạm phải có cơ chế xử phạt nghiêm minh. Điều quan trọng nhất là công chức nhận thức đúng theo quy định pháp luật, chức trách, đúng trình tự, khối lượng, phạm vi, quy trình.
“Chừng nào chúng ta không đánh giá đúng thực chất, chừng nào người không làm được việc được đánh giá như người làm được việc thì không thể hi vọng đến một nền công vụ có trách nhiệm” – TS Ngân chỉ rõ.
Ngăn ngừa xung đột lợi ích, chống tham nhũng
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Wu Wei Neng, Giám đốc Điều hành, Viện Quản trị Chandler lấy ví dụ mỗi công chức Singapore khi chi tiêu ngân sách thì phải coi như chi tiêu của bản thân. Singapore có những quy định khiến công chức không thể tham nhũng như tiền lương được công khai, chính sách hấp dẫn thu hút người tài... Khi tuyển dụng, các ứng viên phải tham gia các bài kiểm tra tình huống, tâm lý, tính cách…
Trong khi đó, bà Julia Di Ciccion, Trưởng phòng Công chức, Phổ biến pháp luật và đối thoại xã hội, Tổng vụ Hành chính và Công vụ, Bộ Cải cách và Hành chính công, Cộng hòa Pháp chia sẻ kinh nghiệm, mỗi công chức, viên chức tại Pháp không được quyền chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân nếu như có tranh chấp lợi ích công, kiêm nhiệm vị trí ảnh hưởng đến lợi ích công…
Trường hợp công chức, viên chức ở Pháp luân chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân và ngược lại sẽ được cơ quan cấp cao bảo đảm minh bạch công (HATVP) kiểm tra (kiểm soát thu nhập, kê khai tài sản…) để ngăn chặn các tình huống có thể gây ra xung đột lợi ích.
Theo TS Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, không có các tiêu chí minh bạch trong điều hành cán bộ mà chỉ hình thành từ ý thức chủ quan của lãnh đạo, trách nhiệm công vụ mãi mãi chết yểu.
TS Nguyễn Thị Kim Thoa – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư Pháp chia sẻ: Luật Cán bộ công chức chưa giải quyết được vấn đề trách nhiệm công vụ. Quyền bình đẳng giữa người thi hành công vụ và người dân phải được nghiên cứu kĩ hơn.
Kết thúc phần thảo luận, các chuyên gia cho rằng, cần phải có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm công vụ; cơ chế bảo đảm trách nhiệm công vụ với góc tham chiếu Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới.