Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ: Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.  

Xây dựng văn hóa công vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phục vụ nhân dân
Xây dựng văn hóa công vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phục vụ nhân dân

Không chọn việc dễ, bỏ việc khó

Theo quy định của đề án, cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với Nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”.

Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.

Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc đi dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.

Ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”

Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ. Một trong các giải pháp đầu tiên phải kể đến là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ góp phần tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả của nền công vụ. Trong đó, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hàng năm của Thanh tra Bộ Nội vụ và Thanh tra Sở Nội vụ. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, biểu hiện nhũng nhiễu phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phục vụ nhân dân tốt hơn

Còn nhớ, tại một hội nghị quốc tế về cải cách hành chính (CCHC) được tổ chức cách đây vài năm, ông David Ma - Vụ Quy hoạch của Bộ Phát triển Quốc gia Singapore từng kể một câu chuyện về hai chuyên gia tư vấn người Việt. Họ phàn nàn về dịch vụ của một nhà khách công. Họ không nhận được dịch vụ như mong muốn và vì thế họ chuyển đến khách sạn tư. Họ cảm thấy rằng thật là vô lý khi phải trả một khoản tiền như nhau mà không nhận được dịch vụ tốt. Điều gì khiến nhân viên ở khách sạn tư làm việc khác nhân viên nhà khách công?

Người quản lý cho biết, khách sạn chỉ tuyển người quan tâm phục vụ khách hàng chứ không phải những người có bằng cấp. Sau khi tuyển dụng, khách sạn đào tạo thêm nhấn mạnh vào kỹ năng phục vụ khách hàng. Khách sạn không trả lương quá nhiều, nhưng nếu họ làm tốt họ sẽ được thưởng. Ông nhận thấy có nhiều điểm chung giữa nền công vụ Singapore và khách sạn này. Câu chuyện cho thấy, để có được văn hóa công vụ, việc tuyển dụng là vô cùng quan trọng, ở đây tinh thần phục vụ được đề cao chứ không phải chỉ là bằng cấp. Cuối cùng không thể thiếu là kỹ năng làm việc, giao tiếp ứng xử và đương nhiên, người làm tốt cần nhận được phần thưởng xứng đáng.

Có thể nói việc phê duyệt đề án là một nỗ lực của Chính phủ nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Các quốc gia tiến bộ trên thế giới đều mong muốn có được một nền công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, dân chủ, khách quan đảm bảo bộ máy Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo TS Ngô Thành Can - Học viện Hành chính Quốc gia, các giá trị của văn hóa công vụ thường được nhắc đến như tính kỷ luật, sự phục tùng, tính quyền lực hay tính đồng đội, sự định hướng khách hàng, tính sáng tạo và tinh thần phục vụ.

Trong tiến trình phát triển ngoài những giá trị hiện có, người ta luôn tìm tòi tạo ra những giá trị mới đáp ứng yêu cầu phát triển của công vụ. Các giá trị cơ bản được tập hợp thành hệ thống sẽ tạo ra triết lý của công vụ. Nó cho thấy điều nào là quan trọng nhất đối với công vụ. Để xây dựng phát triển các giá trị cơ bản của văn hóa công vụ những người thực thi công vụ phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính như Bác Hồ đã từng căn dặn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định của đề án còn chung chung, thậm chí trừu tượng, khó thực hiện. Ví dụ, quy định “không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng”. Thế nào là nịnh bợ, thế nào là khen ngợi và thế nào là không trong sáng vốn không thể cân đo đong đếm được. Vì vậy, cơ quan soạn thảo đề án chắc cũng khó có thể đưa ra tiêu chí đánh giá cụ thể. Những quy định tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống “trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ” cũng chỉ có thể khuyến khích thực hiện chứ khó có quy định cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ