Như trong một nhà

GD&TĐ - NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội cho rằng, để xây dựng được ngôi trường hạnh phúc, ở đó mỗi ngày đều ngập tràn niềm vui, ánh mắt nụ cười của trẻ nhỏ thì nơi đó phải xây dựng được các yếu tố: Môi trường hạnh phúc, con người hạnh phúc và cách thức để chuyển tải được niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy cô giáo đến với học sinh…

Cô giáo cùng học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.
Cô giáo cùng học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm.

Mong muốn “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…

NGND Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: Cách đây hơn 20 năm chưa có khái niệm ngôi trường hạnh phúc, nhưng ngay từ thời điểm đó, bà đã đề ra mục tiêu để xây dựng một ngôi trường ước mơ và lòng nhân ái, mà ở đó “Thầy vui dạy - Trò vui học, vui chơi” và bây giờ ngành Giáo dục coi đó là “Ngôi trường hạnh phúc” - Một khái niệm lớn, bao trùm lên các hoạt động dạy - học - vui chơi của một ngôi trường.

Để trẻ thấy vui và thích đến trường ngay từ giai đoạn đầu từ bậc mầm non chuyển lên lớp 1 tiểu học; nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh cách đồng hành với con trong quá trình con học ở trường. Mỗi khi con ở trường về thay vì câu thường hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm”, phụ huynh nên hỏi: “Hôm nay con đi học có vui không?” hoặc “Ở trường hôm nay cô dạy con những điều gì hay?”, “Hôm nay ở trường có điều gì làm con yêu thích?”… để tránh gây áp lực cho trẻ. Những điều này tạo ra động lực để trẻ tiếp tục đến trường. Nhiều phụ huynh học sinh có chung nhận xét: Khi trẻ học mẫu giáo, họ phải mất nhiều công gọi trẻ dậy mỗi sáng, nhưng khi trẻ học ở Trường Đoàn Thị Điểm thì cứ đến giờ là trẻ tự giác và háo hức đến trường. Như vậy là việc tạo ra niềm vui cho trẻ đã có hiệu quả, thành công.

NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm
  • NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Ngôi trường là mái nhà chung hạnh phúc

Đối với giáo viên, nhà trường cũng thực hiện “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền cho biết: Tôi luôn động viên các giáo viên của trường: Hằng ngày trước khi bước vào cổng trường, các thầy cô hãy tạm quên những tâm tư, nỗi buồn (có thể có trong đời sống sinh hoạt) để đến lớp với những nụ cười tươi. Tôi cũng nói với giáo viên trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, nếu các cô không yêu trẻ thì không nên chọn nghề giáo. Bởi nếu không có tình yêu trẻ, các cô không thể có sự sáng tạo, không thể vui với nghề giáo, mà phải dạy học với một áp lực kiếm sống - rất khác với một giáo viên dạy học với tình yêu trẻ. Nên môi trường sư phạm của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội được nhiều phụ huynh chấp nhận.

Muốn giáo viên dạy tốt thì phải tạo được môi trường tốt cho giáo viên làm việc; Tập thể sư phạm phải đoàn kết, yêu thương gắn bó với nhau như người trong một nhà. Chúng tôi thường gọi trường là “ngôi nhà Đoàn Thị Điểm”, khi gọi là ngôi nhà thì mọi người đã gắn kết, có trách nhiệm với nhau nhiều hơn. Trong trường đã có nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh ra trường, chuyển công tác hay đã nghỉ chế độ. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, với cương vị gì thì ngôi nhà Đoàn Thị Điểm luôn là chốn đi về mỗi khi có dịp hội ngộ. “Như vậy nếu muốn tạo dựng được ngôi trường hạnh phúc thì giáo viên phải có tình yêu với nghề dạy học, nhà trường phải tạo ra được môi trường làm việc để họ thỏa sức sáng tạo. Đây còn gọi là giải pháp quản trị để có ngôi trường hạnh phúc” - NGND Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh.

Một điểm nữa trong giải pháp quản trị nhà trường đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng những kỹ năng để giáo viên làm cho trẻ vui học hàng ngày ở trường. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nhiều khi chúng ta thường quá nặng đào tạo, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, cách thức truyền thụ kiến thức nhưng lại lãng quên đi việc làm thế nào để giáo viên truyền tải được tình cảm, tình yêu thương của cô đến với trò; Làm thế nào để giáo viên đến lớp với nụ cười và tâm trạng ngập tràn niềm vui để tận tâm chăm sóc học trò. Nếu trong nhà trường có môi trường làm việc tốt thì tất cả mọi người từ chị lao công đến giáo viên đều làm việc tốt.

“Hiện ngành Giáo dục cả nước và Thủ đô Hà Nội đã tích cực nhìn nhận, đưa ra nhiều quan điểm về “Trường học hạnh phúc” và đi theo hướng xây dựng những nội hàm; tôi cho rằng đây là một tư duy tích cực và đúng hướng. Chỉ khi nào trường học hạnh phúc thì việc dạy - học mới có hiệu quả” - NGND Nguyễn Thị Hiền tâm đắc chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ