Mong ước về ngôi trường hạnh phúc

GD&TĐ - Lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc, đó là niềm mơ ước của biết bao học trò. Câu chuyện của những học trò từng bị coi là “cá biệt” cho thấy, nếu như thầy cô chúng ta thay đổi, biết lắng nghe HS, thấu hiểu và tin tưởng học trò nhiều hơn thì những ngôi trường hạnh phúc sẽ hiện diện trên khắp đất nước Việt Nam.

Em Nguyễn Thu Trang. (Ảnh cắt từ clip: Thầy cô chúng ta đã thay đổi)
Em Nguyễn Thu Trang. (Ảnh cắt từ clip: Thầy cô chúng ta đã thay đổi)

HS Nguyễn Thu Trang - Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội): Sức mạnh của niềm tin

Trước đây em là HS của một trường THCS, là trường điểm tại Hà Nội. Bố mẹ rất kỳ vọng và cho em theo học tại một lớp chuyên - được coi như lớp giỏi nhất khối. Các bạn trong lớp thi đua học tập. Em cảm thấy mình kém cỏi. Mọi người luôn nhìn em với ánh mắt là một HS dốt. Em cảm thấy không một ai hiểu em và vì em là một HS dốt nên tất cả mọi hoạt động của trường, của lớp em không được tham gia.

Không ai công nhận sự cố gắng của em. Không ai cho em được thể hiện bản thân. Đỉnh điểm của sự tủi thân trong 4 năm THCS mà em sẽ không bao giờ có thể quên đó là: Cô giáo chủ nhiệm đã từng gọi điện cho các bác ở Ban Phụ huynh nói là, con bé này học dốt. Con bé này là HS cá biệt của lớp và không nên cho con giao du. Suốt 4 năm THCS, em bị 2/3 các bạn trong lớp xa lánh. Em gần như không được thầy cô tin yêu, không được bạn bè nhìn thấy những sự cố gắng của mình và từ đó em cảm thấy không muốn cố gắng nữa.

 Cô nói với em một câu: “Cô tin con làm được”! Cảm nhận được tình cảm, hơi ấm thật sự từ các thầy cô, từ mái trường, bè bạn, em nghĩ rằng, lúc đấy sức sống được khơi dậy trong em mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Từ đó, càng ngày em càng bướng bỉnh hơn. Sự bướng bỉnh đấy theo em đến THPT. Và nếu như em không học mái trường này, không gặp được cô giáo chủ nhiệm ấy thì không biết như thế nào? Em còn nhớ buổi đầu tiên nhận lớp, cùng với các bạn, cô giáo chủ nhiệm đã nói rằng, cô quan tâm đến hạnh phúc của lớp, của các bạn HS hơn là việc học tập. Cô có nói một câu: “Hạnh phúc trước, học tập sau”.

Em là một đứa rất bướng bỉnh và hay nổi nóng, có những hôm cô còn gọi lên nói chuyện. Cô chỉ cho em: Làm sao để là một cô gái dịu dàng; làm sao để có thể giao tiếp với mọi người một cách tốt hơn; làm sao để có thể giảm bớt sức nóng và làm sao để có thể kiềm chế bản thân...

Điều mà em ấn tượng nhất là, cô đã rất nghiêm khắc chỉ ra những lần em mắc lỗi nhưng cô không hề lấy sự nghiêm khắc ấy và cái sai của em để đặt nặng áp lực lên em. Cô đã cho em cơ hội để sửa sai.

Em Ngọc Mai. (Ảnh cắt từ clip: Thầy cô chúng ta đã thay đổi)
Em Ngọc Mai. (Ảnh cắt từ clip: Thầy cô chúng ta đã thay đổi) 

HS Ngọc Mai - Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng): 5 yếu tố tạo nên trường học hạnh phúc

Trước đây, em luôn cảm thấy bị lạc lõng giữa chốn đông người, chỉ muốn sống một mình, ngại giao tiếp, ngại kết bạn và ngại trò chuyện. Để rồi mỗi ngày em đến trường đều là những tháng ngày nặng nề. Em không muốn đi học. Em tự thu mình lại trước tất cả mọi thứ. Có những giây phút em cảm thấy hụt hẫng trong chính cuộc đời của mình.

Khi mới bước chân vào trường THPT, em cứ nghĩ rằng, mình sẽ phải tiếp tục cuộc sống như vậy. Nhưng không, mái trường THPT đã tạo nên cho em một bước ngoặt lớn. Mái trường mới với những người bạn đáng yêu, cô giáo chủ nhiệm đầy tâm lý đã kéo em ra khỏi sự cô đơn ấy. Em đã bắt đầu muốn kết bạn nhiều hơn, tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn. Em tự tin chia sẻ ý kiến của mình trước đám đông, em cười nhiều hơn và hạnh phúc cũng đến nhiều hơn.

Tất cả những chia sẻ của chúng em đều là mong ước về một ngôi trường hạnh phúc đến với tất cả HS trên đất nước Việt Nam.

Nếu em của một năm về trước, có lẽ sẽ không dám đứng ở đây và nói ra những chia sẻ này. Nhưng em của bây giờ đã khác, đầy tự tin và quyết đoán. 

Đối với cá nhân em, có năm yếu tố để tạo nên một trường học hạnh phúc: Thứ nhất đó chính là niềm vui. Đó có thể là niềm vui trong học tập, niềm vui trong các mối quan hệ, niềm vui khi được được trân trọng, niềm vui khi được ghi nhận và niềm vui khi được cống hiến.

Thứ hai, đó chính là sự thân thiện. Em nghĩ rằng, một ngôi trường hạnh phúc đó là khi chúng ta thấy được tất cả các mối quan hệ từ học trò với học trò; học trò với thầy cô không bị ngăn cách bởi những suy nghĩ, tuổi tác hay quan điểm, mà mọi người sẵn sàng chia sẻ với nhau như những người thân thiết nhất và luôn dùng một tâm hồn chân thành nhất để thấu hiểu và trân trọng lẫn nhau.

Thứ ba là chất lượng. Một ngôi trường GD luôn phải đi liền với chất lượng. Nhưng chất lượng ở đây không chỉ dừng lại ở việc GD cho HS kiến thức, mà là GD cho HS trở thành những con người có đạo đức, xác định cho HS sứ mệnh trách nhiệm và dạy cho HS cách làm những điều mình muốn, cách chứng minh bản thân mình trong xã hội.

Thứ tư, khi đến trường HS phải cảm nhận được sự an toàn, không có bất kỳ nỗi sợ hãi hay áp lực của học tập, của các hình phạt, của kỷ luật hay là áp lực của điểm số đè nặng.

Thứ năm, đó chính là cái đẹp. Cái đẹp đấy có thể xuất phát từ những hàng cây, ghế đá, sân trường, từ những phòng học và quan trọng hơn cả là cái đẹp trong tâm hồn của mỗi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.