Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại điểm cầu Bộ GD&ĐT - do Văn phòng Hội đồng phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) tổ chức.
Không có các rào cản
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn – nhấn mạnh, thời gian qua, đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã có những sự thay đổi tiến bộ và được mở rộng nhiều so với giai đoạn trước.
Mặc dù giáo dục mở cũng như tài nguyên giáo dục mở đã được bàn từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn còn lúng túng. “Cần nhìn nhận thế nào là mô hình mở, tài nguyên giáo dục mở trong bối cảnh hiện nay và trong tương lai. Tài nguyên giáo dục mở bao gồm những gì, có bao gồm con người hay chỉ là học liệu, dữ liệu” – Thứ trưởng nêu vấn đề.
Nhấn mạnh sự cần thiết của tài nguyên giáo dục mở, Thứ trưởng trao đổi: Xây dựng tài nguyên giáo dục mở, trước hết là đem lại lợi ích cho người học, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục đại học Việt Nam trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm triển khai của thế giới.
Thứ trưởng mong muốn, hội thảo sẽ đóng góp thêm những kinh nghiệm, giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp cụ thể, trọng tâm, trọng điểm, giúp cho Chính phủ, Bộ GD&ĐT có thể hoàn chỉnh Đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” trong thời gian tới. Đồng thời, có thể triển khai những giải pháp cụ thể mang lại hiệu quả cho toàn ngành.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên – trao đổi, tài nguyên giáo dục mở là các tài nguyên dạy, học và nghiên cứu không có các chi phí và không có các rào cản truy cập, cho phép về pháp lý để sử dụng mở (sử dụng một giấy phép mở như Creative Commons).
Tức là cho phép bất kỳ ai cũng có thể tự do sử dụng, tùy biến thích nghi và chia sẻ tài nguyên đó bất kỳ lúc nào, ở đâu. Cụ thể hơn: Tài nguyên giáo dục mở là những tài liệu dạy - học được chia sẻ miễn phí trên mạng bao gồm: Bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm để người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Cần có cơ chế, chính sách
Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh đề xuất, để xây dựng thành công hệ thống giáo dục mở cần rất nhiều yếu tố; trong đó, một trong các yếu tố then chốt là cần có chính sách, cơ chế xây dựng và khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên giáo dục mở/học liệu mở, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế kiểm tra, công nhận của các chương trình học tập không chính quy và phi chính quy. Tăng quyền tự chủ trong các cơ sở giáo dục, tạo cơ chế để cơ sở giáo dục thường xuyên thực sự thực hiện được tự chủ hiệu quả.
Cùng với đó, cần huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hoá. Theo đó, xây dựng cơ chế thông thoáng, hiệu quả để huy động được sự tham gia và đóng góp thực chất của toàn xã hội, bao gồm các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng vào việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam.
TS Lê Trung Nghĩa – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – cho rằng, ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam là không dễ, cần có quyết tâm chính trị ở mức càng cao càng tốt.
Việc xây dựng chính sách tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học là cần thiết và cấp bách, để giáo dục Việt Nam không đi chệch hướng hoặc ngược hướng với xu thế của thế giới.
Ưu tiên cao nhất trong xây dựng chính sách tài nguyên giáo dục mở ở thời điểm hiện tại là cần có chính sách cấp phép mở ở mức quốc gia. Không được cấp phép mở, sẽ không tài nguyên nào là tài nguyên mở.
Nhấn mạnh hai từ khóa hàng đầu hiện nay là SỐ và MỞ! TS Lê Trung Nghĩa – cho rằng: Chúng cần đi song hành với nhau. Để xây dựng chính sách cho tài nguyên giáo dục mở phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia, cấp bách phải xây dựng các khung năng lực số quốc gia. Đặc biệt, không thể áp dụng tư duy “nguồn đóng” để áp dụng cho thế giới “nguồn mở”, vì chúng không như nhau, thậm chí trong nhiều trường hợp là ngược nhau.
Nhấn mạnh triết lý cho là nhận, TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội – nhìn nhận, việc cho đi các kiến thức một cách miễn phí không phải là rào cản cho sự phát triển của nguồn tài nguyên giáo dục mở.
Thay vào đó, rất nhiều tổ chức lớn trên thế giới đã đứng ra thúc đẩy quá trình này. UNESCO cũng có nhiều chương trình thảo luận và đưa ra nhiều khuyến cáo cho các quốc gia để phát triển tài nguyên giáo dục mở.
TS Trương Tiến Tùng đề xuất, cần có các chính sách phù hợp, đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể cho tài nguyên giáo dục mở. Xây dựng một tài nguyên giáo dục mở cấp quốc gia với khả năng kết nối, chia sẻ, đánh giá sẽ là một trong những giải pháp có thể đạt dược kết quả mong muốn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia đã có những góp ý xác đáng để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở. Các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết xây dựng nguồn tài nguyên này. Đây là môi trường để phát triển tri thức. Theo đó, chúng ta không chỉ tăng về số lượng mà còn phải chú trọng về chất lượng.
Định hướng phát triển tài nguyên giáo dục mở đã rõ, nhưng chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm của quốc tế. Việc phát triển tài nguyên giáo dục mở cần đặt trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục. Trên nền tảng số, cách tiếp cận của người học sẽ khác và tài liệu, vai trò của giáo viên, nhà trường cũng khác. Phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở, việc xây dựng chính sách là giải pháp cốt lõi.