Xây dựng Luật Học tập suốt đời: Cuộc cách mạng thay đổi giáo dục đào tạo

GD&TĐ - Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, các chuyên gia cho rằng, đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi GD và đào tạo...

Học sinh Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn) đọc sách tại thư viện xanh của trường. Ảnh: Sỹ Điền
Học sinh Trường THPT Chi Lăng (Lạng Sơn) đọc sách tại thư viện xanh của trường. Ảnh: Sỹ Điền

Yêu cầu và xu thế tất yếu

Nhận thấy, học tập suốt đời ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới không còn là khái niệm hay những nghiên cứu đơn thuần, mà trở thành chìa khoá quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, trước yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, chìa khóa của mọi thành công. Đây là hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, nhân văn, bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Với tiến bộ nhanh chóng của khoa học, công nghệ và nhịp độ thay đổi của xã hội với gia tốc lớn, PGS.TS Nguyễn Mai Hương cho rằng, kiến thức giáo dục ban đầu không thể đầy đủ, mà cần được cập nhật thường xuyên. Học tập suốt đời là việc học tập không chỉ xảy ra trong thời điểm đi học chính thức, mà còn kéo dài suốt cuộc đời. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục nâng cao kiến thức và kỹ năng, cập nhật thông tin mới để đáp ứng với sự phát triển của xã hội và công nghệ.

“Học tập suốt đời phải được coi là bản năng của mọi người, trong đó, mỗi người có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và có nghĩa vụ học tập. Xã hội tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập, học thường xuyên, suốt đời, trong đó ý thức tự học, được học và học được là yếu tố quyết định nhất”, PGS.TS Nguyễn Mai Hương nêu quan điểm.

Xác định mô hình học tập suốt đời là yêu cầu, xu thế tất yếu ở Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội đề xuất, Chính phủ cần xây dựng chính sách, đảm bảo huy động tối đa nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia tích cực của giới tri thức và cộng đồng xã hội, sự tham gia có trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, hệ thống giáo dục mở để xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở với sự quản lý, điều phối của Nhà nước. Qua đó, nhằm đảm bảo tính pháp lý, lợi ích chung và chất lượng giáo dục.

xay-dung-luat-hoc-suot-doi-1-4488.jpg
Học sinh Hà Nội đọc sách trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Cụ thể hoá quan điểm của Đảng và Nhà nước

“Trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu, vấn đề xây dựng Luật Học tập suốt đời cần thực hiện ngay và không thể chậm hơn”, GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên quả quyết. Mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người, tạo điều kiện và dẫn dắt cho mọi người được học tập khi môi trường giáo dục mở, linh hoạt và không giới hạn.

Nhìn nhận tầm quan trọng, cần thiết của Luật Học tập suốt đời, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh nêu quan điểm, cần thống nhất chặt chẽ để đảm bảo sự liên thông trong giáo dục, giúp người học dễ dàng chuyển đổi giữa các cấp cũng như hình thức, mô hình trong quá trình giáo dục.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích đối với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện cung cấp các chương trình cho người học cũng như đảm bảo quyền bình đẳng được tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, xa và người yếu thế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Khánh Đức - giảng viên cao cấp ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, xây dựng Luật Học tập suốt đời phù hợp với xu hướng phát triển của cá nhân và xã hội hiện đại. Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó, tạo ra hành lang pháp lý và các thiết chế thống nhất về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này. Mặt khác, khắc phục một phần hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay đối với các loại hình giáo dục thường xuyên, không chính quy và phi chính quy.

Trên hết là đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, liên tục, suốt đời của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân đã ghi trong Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 39).

Theo bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), Luật Học tập suốt đời cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Đây được xem là văn bản luật có vị trí độc lập tương đối với các luật chuyên ngành khác về lĩnh vực giáo dục như: Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp tới là Luật Nhà giáo. Luật Học tập suốt đời bổ sung, mở rộng và hoàn thiện các vấn đề về lĩnh vực học tập suốt đời chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong Luật Giáo dục 2019 và các luật khác về giáo dục.

Về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy, Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Luật Học tập suốt đời tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.

PGS.TS Trần Khánh Đức nhìn nhận, xây dựng Luật Học tập suốt đời sẽ góp phần hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và các văn bản quốc tế về quyền con người. Đối tượng, nội dung điều chỉnh của Luật là hoạt động học tập suốt đời của công dân, các mối quan hệ, trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước, tổ chức xã hội… đối với quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời của công dân theo quy định của Hiến Pháp 2013.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.