Xây dựng kỹ năng cho trẻ mầm non từ trò chơi

GD&TĐ - Có vẻ như trẻ mầm non chỉ đơn giản chơi cả ngày trong lớp học, nhưng thực tế không phải vậy. Trẻ sẽ được tương tác với các bạn cùng lứa.

Trường mầm non cung cấp một môi trường để trẻ khám phá.
Trường mầm non cung cấp một môi trường để trẻ khám phá.

>>> Cách vừa học vừa chơi với con hiệu quả

>>> Truyền năng lượng đến lớp từ cách 'học thông qua chơi

Ngoài ra, các hoạt động vui chơi cũng giúp trẻ hình thành tình bạn, học cách hợp tác và suy nghĩ sáng tạo.

Rèn kỹ năng cần thiết

Cấp mầm non được xem là quan trọng và đóng vai trò nền móng. Không chỉ dạy trẻ học, mầm non là thời điểm để các bé có thể khám phá. Vào thời điểm tốt nghiệp lớp mầm non, trẻ đã tiếp thu được rất nhiều điều.

Ở lứa tuổi đó, trẻ có thể khám phá nhiều về xã hội, thể chất và cảm xúc. Ngoài các kỹ năng học thuật và xã hội, nhiều trường mầm non còn rèn luyện cho trẻ kỹ năng nói và vận động tinh. Ở một số nơi, trường mầm non cũng có thể giúp huấn luyện trẻ cách đi vệ sinh.

Trường mầm non dạy những điều cơ bản cho trẻ em, tạo cho các bé nền tảng vững chắc cho những năm tiểu học. Điều này bao gồm các khái niệm học thuật về đọc viết và toán học, chẳng hạn như đếm, tô màu và nhận dạng chữ cái cũng như phát triển các kỹ năng vận động tinh, như đi theo hàng và sử dụng bút chì.

Ngoài ra, mầm non cũng là nơi giúp trẻ sẵn sàng hơn trong việc đi học, cũng như kết bạn và chia sẻ.

Chương trình giảng dạy mầm non thường khác biệt đáng kể so với các cấp học khác. Không ít phụ huynh cho rằng, trẻ mầm non thường chơi là chính. Song, thực tế, thông qua những hoạt động đó, các bé sẽ có được nhiều kỹ năng cần thiết.

Tại mầm non, giáo viên cũng có thể điều chỉnh phương pháp giáo dục để phù hợp với nhu cầu của từng trẻ trong lớp. Mặc dù, các trường mầm non không tuân thủ nguyên tắc giáo dục giống nhau, nhưng đều có mục đích giúp trẻ chuẩn bị cho cấp học tiếp theo.

Trẻ mầm non thường được học về màu sắc, vẽ và tô, cách hợp tác, cách đi vệ sinh, biết lắng nghe cũng như làm quen với các con số. Bên cạnh đó, các bé cũng được tham gia các hoạt động thể chất như chạy, nhảy, nhảy dây, nhảy lò cò.

Trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đang học cách thành thạo cả kỹ năng vận động thô (liên quan đến các chuyển động cơ thể lớn) và kỹ năng vận động tinh (chẳng hạn như sự khéo léo của đôi tay và phối hợp tay - mắt). Nhiều trường mầm non dành thời gian để trẻ tham gia vào các hoạt động phát triển những kỹ năng này.

Theo các chuyên gia, những hoạt động vận động tinh vô cùng quan trọng đối với việc viết, cầm nắm và phối hợp động tác tinh, bao gồm vẽ, cắt, tô màu, dán. Các kỹ năng vận động thô thường được rèn luyện trong giờ giải lao và có thể liên quan đến việc sử dụng thiết bị sân chơi, chạy, nhảy, đá hoặc ném bóng.

Trường mầm non cũng dạy trẻ kỹ năng xã hội và giúp các bé sẵn sàng đi học. Những bài học này bao gồm dạy trẻ cách hoạt động trong môi trường nhóm, nhấn mạnh vào hành vi như chia sẻ, thay phiên nhau, chơi hợp tác, chuyển từ hoạt động này sang hoạt động tiếp theo và tuân theo nội quy lớp học.

Trường mầm non cũng giúp trẻ học các kỹ năng tự chăm sóc mà bé sẽ cần trong tương lai, như tự đi giày và mặc áo khoác, tự ăn và sử dụng phòng tắm một cách độc lập.

Trẻ mầm non cũng thường được tham gia các chuyến đi thực tế. Ví dụ, trẻ sẽ được đi đến bưu điện để tìm hiểu về thư từ, hoặc ghé thăm cửa hàng tạp hóa nhằm biết rõ hơn về cách chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Đôi khi, một số hoạt động đặc biệt tại trường không nhất thiết được dạy bởi giáo viên mầm non. Thay vào đó, trẻ sẽ có cơ hội lắng nghe một giáo viên nghệ thuật, âm nhạc, thư viện hoặc giáo dục thể chất đặc biệt.

Chương trình giáo dục mầm non cũng có thể bao gồm bài tập về nhà cho trẻ để củng cố những gì đã học trên lớp. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục cho rằng, bài tập về nhà là không cần thiết ở độ tuổi này.

Thông qua các trò chơi, trẻ cũng sẽ biết thử nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề và phát huy trí tưởng tượng. Trẻ em vốn có tính tò mò và thích vui chơi. Do đó, thay vì phương pháp giảng dạy thông thường giữa giáo viên và học sinh, để trẻ vừa học vừa chơi luôn mang lại hiệu quả. Ứng dụng sáng tạo và vui tươi giúp trẻ rèn luyện tính khám phá và thử nghiệm.

Trẻ em học tốt nhất thông qua các hoạt động mà chúng thấy thú vị.

Trẻ em học tốt nhất thông qua các hoạt động mà chúng thấy thú vị.

Thúc đẩy việc học tương lai

Theo các chuyên gia, chương trình giảng dạy mầm non nên thúc đẩy việc học, cũng như giúp trẻ đạt được các mục tiêu khác nhau về ngôn ngữ, xã hội, thể chất và nhận thức. Các chuyên gia đã chỉ ra những kỹ năng trẻ em học được thông qua nhiều hoạt động ở trường mầm non.

Phát triển xã hội và cảm xúc: Ở trường mầm non, trẻ sẽ học cách củng cố sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc. Trẻ học cách thỏa hiệp, tôn trọng và giải quyết vấn đề.

Trường mầm non cung cấp một môi trường để trẻ khám phá, có được ý thức về bản thân, chơi với bạn bè đồng trang lứa và xây dựng sự tự tin. Trẻ học được rằng, chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ và đưa ra quyết định mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Sẵn sàng đi học: Quản lý hành vi là một phần chính của việc học ở trường mầm non. Tại đây, trẻ em học cách trở thành học sinh. Trẻ học tính kiên nhẫn, cách giơ tay và chờ đến lượt. Trẻ cũng học cách chia sẻ sự quan tâm của giáo viên.

Trẻ em cũng học về thói quen, làm theo hướng dẫn và chờ đợi. Trường mầm non sẽ giúp trẻ tìm ra câu trả lời thông qua khám phá, thử nghiệm và trò chuyện. Đi học mẫu giáo cũng giúp trẻ học cách tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Ngôn ngữ và kỹ năng nhận thức: Kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em được nuôi dưỡng trong một môi trường “giàu ngôn ngữ”. Trong môi trường lớp học, giáo viên giúp trẻ củng cố các kỹ năng ngôn ngữ bằng cách giới thiệu từ vựng mới trong giờ nghệ thuật, giờ ăn nhẹ và những hoạt động khác.

Giáo viên thu hút học sinh bằng những câu hỏi kích thích tư duy để tạo cơ hội cho các em học ngôn ngữ thông qua hát, nói về sách và chơi sáng tạo.

Làm quen với kiến thức học thuật: Ở trường mầm non, giáo viên sẽ giới thiệu tới trẻ các kỹ năng tạo tiền đề cho việc học toán và đọc viết. Trẻ em được dạy các con số và chữ cái. Song, ở lứa tuổi này, các kiến thức được truyền đạt theo cách hấp dẫn thông qua nhiều trò chơi, hoạt động.

Ví dụ, trẻ em sẽ hát một bài về bảng chữ cái, trong khi học theo sách tranh hoặc vần điệu và bài thơ. Điều đó sẽ giúp trẻ nhận ra các âm riêng biệt trong mỗi từ.

Ngoài ra, giáo viên sẽ đọc truyện cho trẻ nghe để khuyến khích các kỹ năng nghe, hiểu và diễn đạt ngôn ngữ của bé. Trò chơi nối, sắp xếp và đếm giúp trẻ hiểu biết về các con số cũng như thứ tự. Xếp các câu đố lại với nhau khuyến khích trẻ chú ý và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề.

Trẻ em học tốt nhất thông qua các hoạt động mà chúng thấy thú vị, như bài hát, kể chuyện và trò chơi giàu trí tưởng tượng. Trường mầm non không phải là nơi để trẻ đạt được thành công trong học tập. Thay vào đó, đây là nơi tạo ra một đứa trẻ toàn diện muốn khám phá và đặt câu hỏi về môi trường xung quanh.

Tự tin: Ở trường mầm non, trẻ em học được rằng, chúng thực sự có thể tự làm mọi việc. Trẻ em sẽ học cách rửa tay, đi vệ sinh và cởi giày mà không cần người lớn hỗ trợ. Trẻ em có thể có công việc trong lớp và tự hào khi giúp đỡ các bạn cùng lứa. Học các kỹ năng mới sẽ giúp xây dựng sự tự tin ở trẻ.

Nhiều nghiên cứu về tâm lý phát triển ở lứa tuổi trẻ mầm non khẳng định, trẻ bắt đầu tiếp thu kiến thức bên ngoài từ thuở lọt lòng. Thậm chí, nhiều trẻ sớm nhận biết ngay từ trong bụng mẹ.

Khả năng phát triển cũng như nhân cách của trẻ được hình thành trong 5 năm đầu đời. Tuy nhiên, trong giai đoạn mầm non, hình thức học tập thông qua các trò chơi sẽ giúp bé tiếp thu và ghi nhớ nhanh hơn.

Theo Very well family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ