Biết tự cân bằng giữa học và chơi

GD&TĐ - Muốn trẻ biết quản lý thời gian, dù là phương pháp nào, cha mẹ cũng nên dạy con quý trọng điều đó. Đồng thời, người lớn cũng cần thiết phải quản lý thời gian học và chơi của trẻ.

Muốn con biết quản lý thời gian, 
cha mẹ cần dạy con quý trọng điều đó. Ảnh minh hoạ
Muốn con biết quản lý thời gian, cha mẹ cần dạy con quý trọng điều đó. Ảnh minh hoạ

Xây dựng thói quen quý trọng thời gian

Nhắc đến “quý trọng thời gian”, người lớn đều nghĩ vấn đề đó chỉ quan trọng và cần thiết đối với những người đi làm, người trưởng thành. Nhưng trên thực tế, nó vô cùng cần thiết đối với trẻ nhỏ. Trẻ từng bước đi tới thành công được hay không phụ thuộc vào cách mà cha mẹ dạy chúng biết “quý trọng thời gian như thế nào”.

Theo cô Lưu Thị Thoa, giáo viên Trường Tiểu học – Mẫu giáo Bạch Long Vĩ, kỹ năng quản lí thời gian cần thiết cho trẻ vì nó là nền tảng xuyên suốt từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Tuổi nhỏ trẻ vẫn học, phải làm bài tập và những công việc, nhiệm vụ của riêng chúng.

Việc này có hiệu quả hay không cũng chính là do cách sắp xếp thời gian ở trẻ đã hợp lý hay chưa. Nếu trẻ không biết tận dụng thời gian, cha mẹ nhất định phải giúp trẻ sửa chữa thói quen xấu này.

Theo cô Thoa, ngoài việc cho trẻ xem những video clip về thời gian, cha mẹ cũng có thể dạy trẻ bằng cách kể những câu chuyện liên quan đến “giá trị thời gian”. Mỗi câu chuyện, cha mẹ hãy cố gắng tạo thông điệp cho trẻ, tương tác và giao cho trẻ câu hỏi kích thích sự tư duy, suy nghĩ.

Từ những câu chuyện đó, trẻ sẽ tự nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng khi từng ngày trôi qua. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý ở mỗi  giai đoạn trẻ đều có mức độ thích nghi câu chuyện đó là khác nhau.

Trước 6 tuổi, trẻ chưa hiểu nhiều về thời gian nên chưa biết quý trọng và sắp xếp sao cho hợp lý. Biết quý trọng thời gian, trẻ sẽ chủ động sử dụng một cách hiệu quả. Chính vì thế, cha mẹ hãy cố gắng giúp trẻ thử nghiệm và ứng dụng vào thực tế, cho trẻ thực hành và hình thành thói quen tích cực.

“Bước vào bậc Tiểu học, trẻ dần quen rằng, làm một việc mất bao nhiêu thời gian. Trẻ sẽ bắt đầu biết so sánh tại sao cùng thời gian như nhau mà bạn hoàn thành bài tập nhanh hơn, chính xác hơn, có thời gian để chơi đùa mà mình vẫn chưa xong bài. Thậm chí nếu trẻ không nghĩ đến điều đó thì chính con cũng hiểu rằng mình chưa làm xong việc sẽ không được chơi”, cô Thoa chia sẻ.

Tuy vậy, cũng theo cô Thoa, khi trẻ ở độ tuổi lớn hơn, ngoài việc dạy con phải quý trọng, sắp xếp thời gian, cha mẹ cũng phải lưu ý để quản lý thời gian cho con cái. Đặc biệt là việc con chơi game và học bài như thế nào. Bởi chính trẻ cũng không dứt ra được để cân bằng giữa học và chơi. Mỗi ngày con lại xao nhãng và dành nhiều thời gian cho những cuộc đấu game nhiều hơn.

Cần tác động của người lớn

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, điều quan trọng đầu tiên, các bậc cha mẹ cần yêu cầu con chọn thể loại game được phép chơi. Căn cứ phân loại trò chơi theo độ tuổi, cha mẹ có thể nghiên cứu và từ chối trẻ chơi loại trò chơi điện tử không phù hợp với độ tuổi của mình. Ngoài ra, cần chủ động xây dựng khung thời gian trong ngày mà trẻ được phép chơi. Điều này sẽ giúp con hạn chế tối đa việc ham mê chơi game.

“Thời gian lý tưởng cho phép trẻ chơi game là từ 0,5 đến 1 giờ đồng hồ mỗi ngày và có thể cân nhắc tăng chút thời gian vào cuối tuần. Đây cũng là cách khiến trẻ không cảm thấy bị ngăn cấm mà gây nên sự bực tức, khó chịu và dẫn đến sự phản kháng của bé”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, chuyên gia Công ty giải pháp phần mềm Việt cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, cha mẹ nên dành thời gian chơi game cùng con để hiểu thêm về thể loại mà con đam mê. Nếu không phù hợp, phụ huynh cần có những lời khuyên kịp lúc và hướng dẫn trẻ lựa chọn game khác thích hợp hơn. Phương pháp này được không ít bậc phụ huynh châu Âu áp dụng trong cách quản lý thời gian trẻ chơi game.

Các nhà khoa học nhận thấy trẻ em chơi điện tử ít hơn một giờ một ngày có sự điều chỉnh tốt hơn so với những em không bao giờ chơi. Tuy nhiên, trẻ em chơi điện tử hơn 3 giờ mỗi ngày thường có sự hài lòng thấp hơn về cuộc sống nói chung.

Ông Nguyễn Quang Thái, chuyên gia nghiên cứu các giải pháp quản lý trẻ sử dụng thiết bị số khuyên các bậc cha mẹ khi muốn cho con tiếp cận máy tính bảng, smartphone, vi tính phải cân nhắc thật kỹ. Cần tìm hiểu thêm những ứng dụng có tính năng ngăn chặn các trang web có nội dung không phù hợp với con trẻ, lọc hoặc sắp xếp nội dung vừa đủ với tư duy của lứa tuổi. Nên chọn các loại màn hình ít hại mắt, chú ý hơn về nguồn gốc, nhà sản xuất uy tín, giá thành vừa túi tiền, những tính năng dành riêng cho trẻ và công cụ quản lý giúp phụ huynh có thể kiểm soát việc sử dụng máy của con.

“Hãy tạo điều kiện và khuyến khích trẻ đọc sách, tập thể dục, phụ giúp việc nhà… Các hoạt động này sẽ giảm bớt thời lượng chơi game của trẻ và khiến các bé không ỳ người cũng như tạo thói quen, có trách nhiệm hơn với gia đình. Khi các con hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đừng quên dành lời khen ngợi hoặc thưởng món quà nhỏ nhằm giúp trẻ có thêm động lực trong các hoạt động mang tính tập thể”, ông Thái nhấn mạnh.

Thời điểm nghỉ dịch Covid-19, nhiều cha mẹ chia sẻ, họ không thể cấm con chơi điện tử nhưng cần thiết phải quản lý thời gian cho phép con chơi. Một số người đã sử dụng phần mềm hẹn giờ. Trẻ bắt buộc chỉ được chơi trong khoảng thời gian quy định. Điều này dần giúp trẻ hình thành thói quen đúng giờ, có trách nhiệm với công việc. Việc quản lý thời gian chơi game cho trẻ của cha mẹ là liều thuốc đủ giúp trẻ có được những thói quen tích cực trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.