Cách vừa học vừa chơi với con hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Không ít phụ huynh luôn đau đầu trong nỗ lực tìm cách dạy trẻ vừa học vừa chơi sao cho hiệu quả.

Khi học tập thông qua hoạt động vui chơi, trẻ sẽ vô cùng thích thú. Ảnh minh họa.
Khi học tập thông qua hoạt động vui chơi, trẻ sẽ vô cùng thích thú. Ảnh minh họa.

Bởi nếu áp dụng đúng, phương pháp này sẽ giúp trẻ tiếp nhận kiến thức dễ dàng và chủ động hơn rất nhiều so với cách học thông thường.

Bằng nhiều hình thức, các hoạt động chơi luôn mang đến những trải nghiệm khác nhau phù hợp với tâm lý của trẻ. Ngoài ra, vui chơi bổ ích sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng chuẩn bị và ý thức trách nhiệm về công việc mình cần làm.

Giúp trẻ rèn luyện khám phá

Nhiều cha mẹ vẫn thường than thở rằng, bản thân dành không ít thời gian để cùng con học tập, vui chơi nhưng kết quả mang lại vẫn không được như mong muốn.

Nguyên nhân chính là phương pháp vừa học vừa chơi cùng con chưa thật sự phù hợp. Trong khi đó, đây là phương pháp không còn quá xa lạ, thậm chí mang tính phổ biến.

Vừa học vừa chơi là phương pháp giảng dạy kiến thức dựa trên các hoạt động. Từ đó, tạo ra động lực vui chơi, cũng như làm nền tảng cho việc học của trẻ.

Trẻ em vốn có tính tò mò và thích vui chơi. Do đó, thay vì phương pháp giảng dạy thông thường giữa giáo viên và học sinh, phương pháp vừa học vừa chơi thường khiến trẻ thích thú. Ứng dụng sáng tạo và vui tươi giúp trẻ rèn luyện tính khám phá và thử nghiệm.

Không có bất kỳ một phương pháp chính xác tuyệt đối khi dạy con học tập. Tùy theo năng lực, thế mạnh cũng như các đặc điểm về tâm lý của từng trẻ mà cha mẹ đưa ra những cách dạy khác nhau. Vì thế, trước khi muốn tìm ra được cách dạy con học thì phụ huynh cần nghiên cứu một số yếu tố cần để tạo nên phương pháp hiệu quả. Việc biết được con nên học theo cách như thế nào sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Không ít phụ huynh cho biết, từng cùng con ngồi hàng giờ đồng hồ, lựa chọn một hoạt động. Tuy nhiên, đến cuối buổi, trẻ không hề thích, còn phụ huynh ép con phải thực hiện yêu cầu của trò chơi đó. Điều này vô tình làm cho chính trẻ cảm thấy mình bị ép buộc và không muốn chơi. Hoặc, nếu có, trẻ thường chơi theo kiểu thụ động.

Trái lại, việc tìm ra cách dạy đúng đắn giúp cha mẹ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi vừa học vừa chơi cùng con. Đồng thời, bản thân trẻ cũng không còn cảm thấy áp lực, bực tức trong khi chơi cùng cha mẹ.

Theo các chuyên gia, mặc dù việc truyền đạt kiến thức thông qua các trò chơi rất quan trọng, nhưng quá trình dạy cần phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ. Cha mẹ không nên để những giờ học cùng phụ huynh trở nên thiếu thoải mái với trẻ.

Một nghiên cứu tại Hà Lan mang tên “Cải thiện thành tích học tập môn Toán và Ngôn ngữ thông qua hoạt động thể chất” cho thấy, việc kết hợp hoạt động thể chất vào học tập giúp trẻ em phát triển cao khả năng tập trung trong lĩnh vực chuyên môn nhất định.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với 499 học sinh ở độ tuổi từ lớp 2 - 3 tại Hà Lan và chia các em thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất chỉ đơn thuần tham gia vào các bài học trên lớp. Nhóm thứ hai ngoài việc tham gia vào các bài học trên lớp thì còn được kết hợp thêm nhiều hoạt động thể chất.

Sau 2 năm, nhóm nghiên cứu cho tất cả những đứa trẻ trên làm cùng một bài kiểm tra. Kết quả là những đứa trẻ ở nhóm thứ hai giành được điểm cao hơn so với các bạn cùng lứa thuộc nhóm thứ nhất. Đây rõ ràng là một lợi thế của việc tham gia vào các hoạt động thể chất. Không chỉ tốt cho sức khỏe, mà nó còn nhằm giúp ích các dây thần kinh thư giãn, vui vẻ, đạt hiệu suất học tập cao hơn.

Cha mẹ và con cần thống nhất các nguyên tắc trong khi chơi. Ảnh minh họa.

Cha mẹ và con cần thống nhất các nguyên tắc trong khi chơi. Ảnh minh họa.

Cần thiết với sự phát triển

Chia sẻ về vấn đề này, theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vui chơi là nhu cầu cần thiết đối với sự phát triển của trẻ em.

Đồ chơi, trò chơi sẽ kích thích sự tò mò và hứng thú khi trẻ bước vào bài học. Do đó, giáo viên nên tổ chức trò chơi, lựa chọn đồ chơi dạy học phù hợp với chủ đề bài học, độ tuổi của các em và đặc điểm lớp học. Phương pháp này hoàn toàn phù hợp với trẻ và mang lại nhiều hiệu quả tối ưu.

“Lợi ích đầu tiên phải kể đến đó là khi trẻ học tập thông qua hoạt động vui chơi, các em sẽ vô cùng thích thú, không nhàm chán. Phương pháp này sẽ mang đến cho trẻ một tình yêu học tập ngay từ nhỏ. Ngoài ra, thông qua các trò chơi, trẻ sẽ được tăng cường thể chất, phát triển trí tuệ, ngôn ngữ và các cảm xúc tích cực”, nữ giáo viên cho biết.

Cũng theo cô Mai Chi, bằng nhiều hình thức, các hoạt động chơi luôn mang đến những trải nghiệm khác nhau phù hợp với tâm lý của trẻ. Việc này giúp trẻ nhận biết về bản thân và thế giới tự nhiên một cách nhẹ nhàng nhất.

Ngoài ra, các hoạt động vui chơi bổ ích này giúp trẻ hình thành kỹ năng tổ chức chuẩn bị và ý thức trách nhiệm về công việc của mình cần phải làm. Đồng thời, trẻ cũng sẽ có được nền tảng vững chắc khi đối mặt với các thử thách trong tương lai.

Thêm vào đó, thông qua các trò chơi mang tính giáo dục, thái độ của trẻ với việc học cũng trở nên tích cực hơn. Thay vì phải liên tục nhắc nhở con học, cha mẹ nên dành thời gian ngồi cùng bé. Điều quan trọng là phụ huynh giữ tâm thế như một người học - tức là cũng chú tâm vào và trao đổi, khuyến khích, tương tác cùng con như một người bạn.

Cùng với sự đồng hành của cha mẹ và sự sinh động, hấp dẫn của các bài học, trẻ sẽ thực sự hào hứng và tự tập được tính kiên trì xuyên suốt buổi học.

Cô Mai Chi dẫn chứng, các nghiên cứu về phương pháp học này đã chỉ ra những lợi ích của học thông qua chơi. Cụ thể, thông qua chơi, trẻ sẽ giải phóng năng lượng và duy trì sức khỏe. Trẻ cũng sẽ có cơ hội tương tác và kết bạn.

Ngoài ra, các hoạt động vui chơi khơi dậy tính sáng tạo của trẻ và giúp bé nhận thức về thế giới xung quanh. Trong khi đó, hoạt động chơi như sắm vai sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng cảm xúc (như kiểm soát giận dữ, trở nên tự tin hơn, thể hiện cảm xúc).

Vừa học vừa chơi là phương pháp giảng dạy kiến thức dựa trên các hoạt động. Ảnh minh họa.

Vừa học vừa chơi là phương pháp giảng dạy kiến thức dựa trên các hoạt động. Ảnh minh họa.

Dành thời gian chất lượng bên trẻ

Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Âu Thị Hoa, Trung tâm Trị liệu tế bào, Khoa Y học tái tạo - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec nhấn mạnh, việc chơi cùng con như thế nào cho đúng là điều vô cùng quan trọng. Bởi, chơi cùng con giúp trẻ phát triển toàn diện về mặt tinh thần, thể chất và tạo sự gắn kết giữa mối quan hệ cha mẹ và con.

“Tại các gia đình, thường bắt gặp tình cảnh cha mẹ mua những giỏ to để bé cất đồ chơi. Khi muốn lấy/chơi, con sẽ đổ hết đồ chơi trong đó ra và khi cất đi, mọi thứ lại được nhét vào trong giỏ. Điều này vô hình trung tạo cho trẻ thói quen để đồ vật lộn xộn, không có quy tắc.

Trong phương pháp Montessori, trẻ sẽ được hướng dẫn lấy đồ vật tại đâu thì sau khi chơi xong sẽ để lại đúng vị trí cũ. Đồ chơi sẽ được phân loại theo các chủ đề khác nhau. Các tủ để đồ thì được đặt sát tường và trong tầm với của trẻ”, chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó, điều phụ huynh cần lưu ý là dành thời gian chơi thật sự với con. Thực tế, không ít phụ huynh dù muốn dạy con vừa học vừa chơi, nhưng cha mẹ lại dùng điện thoại. Hoặc, thậm chí do quá mệt, phụ huynh từ chối giải đáp những câu hỏi của trẻ, hay không theo kịp con trong các trò chơi vận động.

Song, thực tế, dựa trên quỹ thời gian, phụ huynh được khuyến khích dành cho con 10 - 15 phút hay thậm chí nhiều hơn. Điều quan trọng là hãy thật sự chơi với con. Đồng thời, để tâm vào hoạt động chơi, lắng nghe, quan sát cách trẻ đang thực hiện, trò chuyện cùng con.

Bên cạnh đó, cha mẹ và con cũng cần thống nhất các nguyên tắc trong khi chơi. “Việc chơi tưởng chừng như đơn giản nhưng thiết nghĩ, không nên thiếu các quy tắc dành cho cha mẹ và con trong khi chơi. Các nguyên tắc này có thể xây dựng và điều chỉnh trong khi chơi. Đồng thời, cần được trao đổi cũng như thống nhất giữa cha mẹ và con”, chuyên gia cho biết.

Ví dụ, phụ huynh và trẻ thống nhất sẽ cất đồ chơi cũ trước khi muốn bắt đầu một hoạt động mới. Hoặc, khi chơi xong, tất cả thành viên sẽ cùng cất đồ chơi. Đồng thời, giữ gìn đồ chơi. Nếu làm hỏng, trẻ sẽ chỉ được mua đồ chơi mới vào ngày lễ, hoặc khi được cô giáo khen… Phụ huynh cũng cần chú ý tới những vị trí, đồ vật, hành động có thể gây nguy hiểm trong khi chơi.

Theo chuyên gia Âu Thị Hoa, trong khi chơi, cha mẹ cần trở thành người dẫn dắt, hỗ trợ và người bạn của con. Tránh hướng dẫn quá nhiều. Bởi, trẻ cần có cơ hội khám phá xem đồ vật này chơi như thế nào, thử xem làm cách nào hoàn thành bảng ghép hình, có những cách nào để chơi với món đồ đó.

Đôi khi, trẻ sẽ học được nhiều hơn từ những lỗi sai trong khi chơi và sáng tạo ra những điều mới. “Việc của chúng ta là hãy gợi mở và hướng dẫn con. Đừng vội đặt trẻ vào những chiếc khuôn cố định của suy nghĩ. Hãy dành cho con một thế giới luôn mới mẻ và đầy những điều thú vị để khám phá”, chuyên gia nhấn mạnh.

Chương trình GDPT 2018 chú trọng vào đổi mới phương pháp giáo dục, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Phương pháp “học thông qua chơi” đã tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm đa dạng loại hình chơi, đảm bảo các em được học thông qua trải nghiệm, từ đó có những kiến thức, kĩ năng cần thiết và tạo hứng thú cho việc học tập suốt đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ