Chuyển biến nhờ tạo được được sự đồng thuận
Theo ông Nguyễn Quốc Nam – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình): Sau một thời gian triển khai Thông tư 30 vào thực tiễn đã có tác động tích cực đến giáo viên và học sinh.
Giáo viên đã tự vận động đổi mới phương pháp dạy để phù hợp với yêu cầu còn học sinh đã hứng thú hơn trong học tập và mạnh dạn, tự tin hơn trong các phong trào hoạt động.
Ông Nam – cho biết: Kinh nghiệm của Ninh Bình trong thời gian qua đó là đã tạo được sự đồng thuận giữa ngành Giáo dục với cộng đồng.
Theo đó Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT các địa phương và các trường tiểu học trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh về Thông tư 30.
Thời gian đầu, chúng tôi khuyến khích các trường mời phụ huynh tham gia dự giờ tại các lớp để họ tận mắt chứng kiến con em mình được học tập, đánh giá nhận xét như thế nào. Từ đó họ sẽ có những so sánh giữa hình thức đánh giá cũ với hình thức đánh giá, nhận xét theo Thông tư 30.
Với cách tuyên truyền trực quan như trên sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt và lôi kéo được phụ huynh vào cuộc để cùng với nhà trường trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh.
Qua các đợt kiểm tra thực tế, tôi thấy nhiều trường có cách làm rất hay, rất sáng tạo. Để tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cha mẹ học sinh, trong các buổi họp phụ huynh, các lớp đều chia thành các nhóm nhỏ rồi đưa ra một vấn đề cùng thảo luận.
Sau khi thảo luận xong chính những phụ huynh hoặc giáo viên nhận xét, đánh giá. Từ đó lồng ghép một cách khéo léo để tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Thông tư 30. Như vậy, ai cũng hiểu và không còn thắc mắc về chuyện thay đổi nhận xét, đánh giá thường xuyên của con em.
Mỗi lời nhận xét phải xuất phát từ tình cảm của người thầy |
Xây dựng giáo viên cốt cán, trường điển hình
Lời nhận xét phải đảm bảo các thành tố: Khẳng định được trên cơ sở thực tiễn, hai là tư vấn và động viên. VD: Bài em làm tốt lắm. Lời nhận xét này mới chỉ được một phần là động viên. Nếu như giáo viên thay bằng lời nhận xét: “Bài em làm tốt lắm nhưng cần viết chữ đẹp hơn hoặc nhưng thế này, thế kia...” thì sẽ đảm bảo đầy đủ cả yếu tố động viên, khích lệ và tư vấn cho các em.
Ngoài ra, Ninh Bình cũng xây dựng các giáo viên cốt cán, các trường điển hình trong việc thực hiện Thông tư 30. Đồng thời tổ chức các chuyên đề như: Chuyên đề hướng dẫn đánh giá học sinh thông qua năng lực dạy học; thông qua ngoài giờ lên lớp và thông qua các hoạt động trong lớp học.
Các chuyên đề này được thực hiện dưới hình thức là giữa các cụm trường với nhau và giữa các nhóm lớp trong cùng một trường.
Ông Nam – chia sẻ: “Trong những buổi tổ chức chuyên đề, chúng tôi đề cử cán bộ của Phòng Giáo dục tiểu học – Sở GD&ĐT và yêu cầu cán bộ Phòng GD&ĐT của các cụm trường đó đến tham dự. Để từ đó có thể rút ra được những kinh nghiệm và có phương pháp điều chỉnh hợp lý.
Để tránh việc đánh giá hình thức, cả phòng chúng tôi đều cất cử nhau đi kiểm tra, vào dự giờ của các giáo viên nhằm động viên kịp những giáo viên làm tốt và uốn nắn những giáo viên vẫn còn làm chưa đúng với hướng dẫn của Thông tư.
Chúng tôi không không khuyến khích các trường làm ngân hành nhận xét. Như vậy rất hình thức. Chúng tôi muốn mỗi lời nhận xét được viết ra phải chứa đựng tình cảm của người thầy và phải có tính thời sự ở trong đó.
Tức là nếu em A làm tốt bài này, em B làm chưa đúng thì giáo viên phải nhận xét tức thì và truyền tải được những thông điệp nhắn nhủ ở trong đó.
Ví dụ: Em làm vẫn chưa được tốt lắm. Nếu em chú ý nghe giảng, cô tin ngày mai em sẽ làm đúng. Cố gắng lên em nhé!”.