Lấy đội ngũ nhà giáo làm đòn bẩy chất lượng

GD&TĐ - Năm học 2020 - 2021 Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới sẽ chính thức triển khai theo lộ trình trên toàn quốc với một số thay đổi cơ bản, đòi hỏi các địa phương gấp rút chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực từ đội ngũ nhà giáo đến cơ sở vật chất. 

HS được quan tâm và giáo dục toàn diện. Ảnh: Đức Trí
HS được quan tâm và giáo dục toàn diện. Ảnh: Đức Trí

Lập Thạch – Vĩnh Phúc là một huyện miền núi phía Bắc với những thuận lợi và khó khăn thách thức riêng nên việc chuẩn bị, tháo gỡ cũng đòi hỏi những hướng đi hiệu quả phù hợp. Ông Đỗ Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch - Vĩnh Phúc đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Đến nay mạng lưới giáo dục và quy mô trường lớp ngành GD-ĐT Lập Thạch tiếp tục ổn định, các điều kiện thiết yếu bảo đảm cho hoạt động giáo dục được tăng cường. Cơ sở vật chất các nhà trường cơ bản đáp ứng được yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục.

Các nhà trường đã thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyền truyền, xã hội hóa (XHH) giáo dục, vận động mọi nguồn lực trong việc mua sắm, tu bổ cơ sở vật chất, xây dựng môi trường cảnh sư phạm.

Tư tưởng của CB, GV, NV trong ngành ổn định, đoàn kết thống nhất. Hoạt động chuyên môn từng bước được đổi mới, cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho dạy và học được tăng cường góp phần triển khai có hiệu quả nhiệm vụ năm học.

Chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực, chất lượng đại trà được nâng lên; việc bồi dưỡng HS giỏi, HS năng khiếu được quan tâm theo hướng thực chất, hình thành, phát triển phẩm chất năng lực HS.

Công tác XHH giáo dục ở các địa phương, nhà trường đạt kết quả tốt, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành...

- Chỉ còn 1 năm nữa các địa phương trên toàn quốc sẽ bước vào thực hiện CT GDPT mới. Vậy ngành GD-ĐT Lập Thạch đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng những điều kiện cần thiết?

Ông Đỗ Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch - Vĩnh Phúc.   Ảnh: Đức Trí

- Trong nhiều năm học vừa qua, phòng GD&ĐT đã tích cực triển khai các nội dung nhằm chuẩn bị đáp ứng CT GDPT mới. Cụ thể: Tiến hành rà soát quy mô, mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ CBGV. Theo đó, cơ sở vật chất, phòng học hiện nay đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT, 100% CBGV đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo.

Chúng tôi đã tổ chức tập huấn các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực cho GV phổ thông; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, GV; đổi mới kiểm tra đánh giá; tăng cường công tác định hướng, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học nhằm phát huy năng lực sáng tạo của HS và GV; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống được các nhà trường thực hiện lồng ghép trong quá trình dạy học các môn văn hóa và trong hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa...; xây dựng tiêu chí và tổ chức thực hiện đánh giá giờ dạy của GV theo hướng phát triển năng lực HS.

Tổ chức cho 100% GV THCS xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự lực của HS thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.

Phòng GD&ĐT cũng tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch về sắp xếp lại hệ thống trường lớp; tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ MN, HS TH vùng dân tộc thiểu số, dạy Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục; triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2014 - 2020”... đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành triển khai hiệu quả CT GDPT mới trong thời gian tới.

- Chắc hẳn quá trình chuẩn bị cho CT GDPT mới sẽ không tránh được những khó khăn, vậy giải pháp tháo gỡ trọng tâm nào trong năm học 2019 - 2020, thưa ông?

- Trong quá trình triển khai CT GDPT mới, ngành gặp không ít khó khăn. Ở cấp TH, đội ngũ GV còn thiếu so với yêu cầu, hiện chỉ đạt 1,3 giáo viên/lớp; GV THCS chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại nhiều cơ sở giáo dục còn hạn chế. Sĩ số học sinh/lớp đông, vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT...

Từ đó ngành đã đề ra những giải pháp trọng tâm trong năm học mới 2019 - 2020 như: Đề xuất với UBND huyện tiếp tục sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng CBQL, GV; thực hiện quy hoạch phát triển, sắp xếp đội ngũ bảo đảm đúng vị trí việc làm và yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Tăng cường huy động các nguồn lực XHH đầu tư, nâng cấp các cơ sở giáo dục, khuyến khích việc mở các nhóm trẻ độc lập tư thục, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân.

Đối với GDPT, đã có chỉ đạo cụ thể về việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS THCS... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện CT GDPT mới trên địa bàn huyện theo đúng kế hoạch và đạt được hiệu quả cao nhất.

- Một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện CT GDPT mới là đội ngũ nhà giáo. Vậy, theo ông, đội ngũ CBQL và GV Lập Thạch sẽ cần được bồi dưỡng và trang bị gì?

- Để thực hiện tốt việc đổi mới CT GDPT thì phải tiến hành thay đổi cách thức, nội dung, tư duy làm việc. Muốn vậy cần phải bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV. Phòng GD&ĐT đã tiếp tục tham mưu Sở GD&ĐT để sớm có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuẩn nghề nghiệp cho CBQL, GV các trường học.

Đối với đội ngũ GV, chúng tôi xác định cần bồi dưỡng về đổi mới tư duy, chú trọng tới trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới PPDH, hệ thống hóa lại kiến thức, kỹ năng liên quan đến các môn tích hợp trên cơ sở phát triển các năng lực nền tảng như: Dạy học phân hóa, tích hợp; phát triển chương trình nhà trường; đánh giá năng lực HS, năng lực ngoại ngữ, tin học và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của HS để giải quyết những vấn đề của đời sống thực; thực hiện bài tập, thí nghiệm với các PPDH nhằm phát huy sự sáng tạo của HS... Thực hiện bồi dưỡng đạo đức nhà giáo có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới CT GDPT hiện nay. Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT sẽ chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp GV hàng năm.

Đối với đội ngũ CBQL, được xác định là một nghề với nhiều trọng trách cao cả nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Chính vì thế trong quá trình bồi dưỡng sẽ chú trọng tới trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ CBQL, đồng thời chú trọng trình độ chuyên môn - nghiệp vụ quản lý như: Khả năng xây dựng chiến lược, quản lý nguồn nhân lực, tài chính, hệ thống thông tin quản lý giáo dục, phát triển năng lực nghề nghiệp, tổ chức thực hiện và phát triển chương trình; lập kế hoạch phát triển nhà trường và hỗ trợ trong quản lý cũng như năng lực quản lý bản thân để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

- Xin cảm ơn ông!

Toàn ngành GD-ĐT huyện Lập Thạch hiện có 22 trường MN công lập; 23 trường TH; 21 trường THCS. Về đội ngũ nhà giáo: Bậc MN có tổng số 527 CB, GVNV; TH 650 CB GVNV; THCS 525 CB GVNV. Về cơ sở vật chất có 961 phòng học cho 3 bậc học. Trong đó MN có 324 phòng (phòng học kiên cố: 308, phòng học bán kiên cố: 16); TH có 393 phòng (phòng học kiên cố: 384, phòng học bán kiên cố: 9); THCS  có 244 phòng học kiên cố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.