Nỗi lo tắc đường vào trường
Các quận nội thành của hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, TPHCM luôn chịu áp lực gia tăng sĩ số học sinh. Trường có quy mô bé cũng gần 1.000 học sinh; Trường nhiều có khi 2.000 – 3.000 em. Chính vì thế, vào giờ học sinh đến trường và tan học, cổng trường thường bị ùn tắc bởi các phương tiện giao thông.
Cầu Giấy là quận cửa ngõ của Thủ đô nên mật độ dân số cao. Đa phần trường lớp đều khang trang, sạch đẹp, cơ sở vật chất hiện đại, thậm chí nhiều trường sánh ngang tầm khu vực. Song ngành Giáo dục của quận cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có bài toán bảo đảm an toàn cổng trường học.
Chị Vũ Thị Hòa Bình, nhà ở phố Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) chia sẻ: Sợ nhất là thời điểm 7 giờ 15 sáng hay 17 giờ chiều, khi đưa đón con tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B. Cổng trường của con chị Bình đối diện với cổng Trường THCS Dịch Vọng, nên cả đoạn đường dài gần 200m trên đường Nguyễn Văn Huyên vốn đã đông người và xe qua lại, lại càng ùn tắc bởi sự hiện diện của lượng lớn phụ huynh. Nhiều hôm, chị đành phải gửi xe máy cách trường hơn 100m để đi bộ mới kịp đưa con vào lớp học.
Tổng số học sinh hai trường này hiện có khoảng 4.000 em. Nếu như học sinh THCS phần lớn tự đến trường thì hơn 2.000 học sinh tiểu học bắt buộc phải có người thân đưa đón. Tính sơ bộ, hai cổng trường giờ cao điểm có khoảng 5.000 – 6.500 phụ huynh và học sinh tham gia giao thông, chưa kể lượng lớn người dân qua lại con đường này bằng các phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp. Nguy cơ xảy ra va chạm giao thông luôn tiềm ẩn.
Một nguyên nhân nữa khiến cho cổng trường học mất an toàn là các hàng quán hai bên đường lấn chiếm. Trường Tiểu học La Thành, trong ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa (Hà Nội) nhiều năm bị các hộ dân hai bên chiếm dụng, bày bán đồ dùng học sinh và quà ăn vặt. Đường vào trường vốn đã là ngõ đi lại chật hẹp, lại càng chật hẹp hơn.
Để cổng trường luôn an toàn với trẻ, rất cần sự chung tay của phụ huynh và các tổ chức xã hội |
Nhiều giải pháp đồng bộ
Trước nguy cơ mất an toàn cổng trường học, Ban Giám hiệu các trường ở Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với với các đơn vị chức năng trên địa bàn giải quyết vấn đề này. Hàng loạt giải pháp đồng bộ đã góp phần xây dựng cổng trường học an toàn cho học sinh, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Công tác tại Công an phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), anh Phạm Văn Tuân cho biết: “Thời gian qua, lực lượng Công an thành phố đã ra quân đồng bộ, giải tỏa các điểm ùn tắc giao thông, nhất là khu vực cổng trường học vào giờ cao điểm.
Trước giờ học sinh đến trường hoặc tan học15 phút, tại cổng trường học, sẽ có vài ba công an khu vực, cùng lực lượng dân phòng, thậm chí đoàn thanh niên của phường tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, bố trí chỗ chờ đón con cho phụ huynh, cổng trường chỉ bị ùn tắc cục bộ chứ không tắc nghẽn hàng tiếng đồng hồ như trước đây”.
Đảm bảo cổng trường học an toàn, không chỉ có lực lượng công an, dân phòng, đoàn viên phường mà bản thân các nhà trường đã giáo dục đạo đức, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho học sinh. Các em không được tụ tập ở cổng trường sau buổi học. Với những trường học có sân trường rộng, nhà trường dành một phần sân để phụ huynh có thể đứng chờ đón con vào các buổi chiều, hoặc phía ngoài cổng trường có bãi gửi xe miễn phí cho phụ huynh, hoặc đặt biển báo nhắc nhở phụ huynh không lấn chiếm lòng đường khi đón con.
Nỗ lực tham gia giữ gìn trật tự bên ngoài cổng trường, song lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ý thức tham gia giao thông của phụ huynh. “Các lực lượng cắm chốt giờ cao điểm để chống ùn tắc cổng trường đôi khi gặp một số phụ huynh ý thức kém vẫn dừng đỗ xe hàng hai, hàng ba dưới lòng đường, nhất là ô tô. Một số người dân khi qua trường còn tỏ thái độ khó chịu khi đường bị tắc”, anh Phạm Văn Tuân cho biết thêm.
Đảm bảo an toàn cổng trường học, ngoài cố gắng của các ngành, các cấp phối hợp cùng nhà trường, còn cần đến sự hợp tác, tuân thủ hướng dẫn, điều hành từ phía các bậc cha mẹ. Có như vậy mới đẩy lùi được nguy cơ mất an toàn cho học sinh những giờ cao điểm.