Mục tiêu giảm tải giao thông nội đô
Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP Hà Nội cho biết đang lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Mức thu phí được xác định trên nguyên tắc bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, việc lập Đề án đang có vướng mắc trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015 không có tên loại phí TP Hà Nội định thu. Vì vậy, thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung “Phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” vào danh mục kèm theo của Luật Phí và Lệ phí năm 2015.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đề xuất thu phí phương tiện nội đô của Hà Nội có cái phù hợp nhưng cũng có cái chưa phù hợp. Bởi hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện, thậm chí thực hiện từ lâu rồi. Ngay trong khu vực châu Á, nhiều nước đã áp dụng.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP Hà Nội cũng đề xuất thêm quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện giao thông lưu hành, thông qua đăng kiểm. Bởi theo dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Nhưng đến năm 2030 sẽ là 1,9 triệu ô tô, hơn 7,5 triệu xe máy.
Xu thế chung là hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô giờ cao điểm. Không cấm taxi, hoạt động nhưng lại hạn chế bằng cách thu phí vào nội đô. Đồng thời, pháp luật điều chỉnh tính tự nguyện của người dân khi tham gia giao thông. Nếu có việc thật cần thiết và cấp bách, người dân mới vào nội đô, nếu không, họ sẽ tự điều chỉnh giờ tham gia giao thông, khu vực giao thông sao cho phù hợp nhất.
Chị Trần Thị Thu Hiền, ngõ 105 Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất đồng tình với đề xuất này. Hà Nội muốn dùng biện pháp kinh tế để hạn chế ùn tắc giao thông nội đô giờ cao điểm. Mục tiêu này rất tốt, bảo vệ lợi ích người dân và tăng cường gìn giữ thành phố Hà Nội xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, giải pháp này sẽ giúp cho giờ cao điểm của những ngày cuối tuần, quanh khu vực đi bộ phố cổ và Hồ Gươm, đường phố sẽ thông thoáng. Lòng đường và vỉa hè không bị chiếm dụng bởi những bãi gửi xe quá tải.
Dấu hỏi về tính hiệu quả
Theo ông Bùi Danh Liên, việc thu tiền của dân bằng các loại phí phải có Nghị quyết của Quốc hội thông qua. Do đó, để thực hiện được dự án thu phí phương tiện nội đô, thứ nhất, UBND TP Hà Nội phải trình Thủ tướng, để đưa ra Quốc hội. Quốc hội đồng ý, các bộ, ngành sẽ thực hiện, trong đó có vai trò của Bộ Tài chính. Nếu hệ thống hóa được pháp luật thì việc thực thi của chúng ta sẽ tốt hơn, tránh mất niềm tin của dân, nếu không sẽ “mất thiêng”.
Thứ hai, sẽ là khó khăn về vốn đầu tư cho hệ thống thu phí tự động. Bởi lâu dài, chúng ta phải thu phí bằng hình thức tự động. Như thế mới tránh ùn tắc giao thông cho nội đô. Nhưng đầu tư cho hệ thống kỹ thuật này rất tốn kém. Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số công ty làm thí điểm nhưng sau do tính hiệu quả không cao nên bỏ.
Thứ ba, cần có tính thống nhất trong việc thu phí các chủ phương tiện vào nội đô như thế nào khi tài khoản cá nhân không thống nhất ở một ngân hàng được? Đặc biệt, người dân tỉnh lẻ vào nội đô thì sẽ thu như thế nào? Do đó, cần có tính liên thông giữa các ngân hàng để thuận lợi hơn cho việc thu phí.
Hơn 10 năm tham gia đưa đón học sinh Trường Marie Curie, lái xe Lê Văn Cảnh bày tỏ trăn trở: “Chúng tôi là đơn vị liên quan đến giao thông. Việc đón đưa học sinh vốn đã khó khăn, lúc nào cũng lo ách tắc vì toàn là giờ cao điểm. Sắp tới, nếu thu phí phương tiện nội đô, sẽ là thách thức với nhà xe chúng tôi bởi thu phí như thế nào với học sinh cho phù hợp, để nhà xe và phụ huynh cùng hợp tác”.