Trao truyền năng lượng tích cực
Khóa tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã mang lại những kết quả tích cực. Trên hết là đã tạo thành cộng đồng học tập để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Là một trong những giáo viên cốt cán của tỉnh Hà Nam, cô Trần Thị Hiền Hòa – giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân – chia sẻ: Sau khóa tập huấn trực tiếp 3 ngày do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức, cô đã nắm chắc những yếu tố căn bản, cốt lõi của 5 mô-đun, gồm:
Phát triển năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên mầm non. Bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn. Hướng dẫn xây dựng tài liệu hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Quản trị hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non trong bối cảnh tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình. Ứng dụng phương pháp giáo dục quốc tế trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Cô Trần Thị Hiền Hòa trong giờ lên lớp. |
Theo cô Hiền Hòa, các mô-đun tập huấn đều rất thiết thực, mang lại nhiều kiến thức bổ ích. Với phương thức tổ chức tập huấn: Lý thuyết gắn với thực hành và trải nghiệm thực tế - đã giúp cô Hòa và giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non lĩnh hội được nhiều kiến thức mới. Từ đó, có thể áp dụng vào thực tế công việc của mình và hỗ trợ đồng nghiệp ở địa phương.
“Đặc biệt, nhiệt huyết của các báo cáo viên đã truyền năng lượng tích cực để chúng tôi tự tin thay đổi bản thân và chủ động nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Trên hết, chúng tôi đã hình thành được cộng đồng học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, để cùng nhau tiến bộ” – cô Hiền Hòa bộc bạch.
Hiện cô Hiền Hòa và các thành viên trong khóa tập huấn, bao gồm cả các báo cáo viên đã thành lập nhóm Zalo, Facebook… để có thể kết nối, hỗ trợ lẫn nhau bất cứ lúc nào. “Đây cũng là phương pháp mà tôi dự định sẽ triển khai, hỗ trợ đồng nghiệp ở trường và ở địa phương để tạo thành những cộng đồng học từ nhỏ đến lớn” – cô Hiền Hòa chia sẻ.
Vui mừng khoe sản phẩm sau mỗi hoạt động. |
Sẵn sàng hỗ trợ sau tập huấn
Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nay cô Bùi Thị Tiện – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (Kim Bôi, Hòa Bình) mới được trở lại khóa tập huấn trực tiếp do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức. Với cô, đây là khóa tập huấn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và nhiều xúc cảm nhất từ trước đến giờ.
Đến với khóa tập huấn, cô đã có thêm được cộng đồng học tập mới, mà ở đó thành viên là các báo cáo viên, giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán. Các thành viên luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau. Sau khóa tập huấn, cô đã học được nhiều điều, trên hết là có thêm năng lượng tích cực để thêm yêu nghề, mến trẻ.
“Trong quá trình tập huấn, chúng tôi được báo cáo viên giải đáp những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến 5 mô-đun. Sau khóa tập huấn, chúng tôi sẽ tham mưu, báo với phòng GD&ĐT để xây dựng đội ngũ cốt cán ở từng huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ truyền đạt những gì đã lĩnh hội được từ khóa tập huấn cho đội ngũ cốt cán này. Qua đó tạo thành cộng đồng cốt cán mầm non ở địa phương để học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Từ đó lan tỏa sâu rộng đến các đồng nghiệp khác trên từng địa bàn và cụm thi đua” – cô Tiện trao đổi.
Cô Hoàng Thúy Hằng – báo cáo viên tại khóa tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non diễn ra từ ngày 26 - 28/10. |
Là một trong những báo cáo viên của khóa tập huấn, bồi dưỡng, cô Hoàng Thúy Hằng – Giám đốc quản lý hệ thống Trường Happy Time (Hà Nội) – cho hay, điều dễ dàng nhận thấy nhất sau khóa tập huấn, bồi dưỡng là, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận thay đổi, đón nhận những cái mới. Trên hết, họ đã có được “đường đi” rõ ràng và mạch lạc hơn với triết lý giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
TS Trương Thị Kim Oanh – nguyên cán bộ nghiên cứu Trung tâm Giáo dục dân tộc của Bộ GD&ĐT – khẳng định, các báo cáo viên luôn sẵn sàng hỗ trợ các học viên sau khóa tập huấn. Nếu cần, các báo cáo viên có thể đến tận nơi để đồng hành cùng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non.
“Chúng tôi luôn mong muốn có được cộng đồng tự học, tự bồi dưỡng dựa trên tài liệu, định hướng của các mô-đun” – TS Oanh bày tỏ và cho biết: Hiện, học viên các lớp và báo cáo viên đã thiết lập nhóm Zalo, Facebook để có thể trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau sau khóa tập huấn.
Học viên báo cáo kết quả hoạt động nhóm trong khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức. |
TS Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh, khóa tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán đã thành công tốt đẹp. Các cô đã tham gia tập huấn với tâm thế chủ động, phấn khởi và sẵn sàng thay đổi.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để các cô có thể tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và chăm sóc trẻ em mầm non. Ngoài ra, các cô có thể tự bồi dưỡng bằng cách tra cứu tài liệu, các mô-đun trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Tới đây, Bộ sẽ cung cấp tài khoản để các cô tự học và tự bồi dưỡng.
“Thành lập cộng đồng học tập với thành viên là những người làm giáo dục mầm non là điều tôi mong muốn. Trước mắt, chúng ta xây dựng từ những cộng đồng nhỏ, chẳng hạn như: Giữa các báo cáo viên với giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non. Sau đó, những cốt cán này sẽ thành lập cộng đồng học tập ở địa phương để cùng nhau kết nối và chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý” – cô Hoàng Thúy Hằng.