Bộ GD&ĐT kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên tối thiểu 70%

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT kiến nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp của y tế cấp cơ sở, nếu không, tối thiểu tăng lên 70%.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình tại Quốc hội - chiều 27/10.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình tại Quốc hội - chiều 27/10.

Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội trường Quốc hội, làm rõ các ý kiến của nhiều đại biểu khi đề cập đến vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên

Theo con số thống kê, chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu 26.228 người để đảm bảo cho môn học.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đến Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đã đặc biệt quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu các vấn đề của ngành Giáo dục. Nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc. Trong những ngày vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng nhận được trên 200 ý kiến của cử tri gửi tới Bộ, bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước việc thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc, chuyển việc.

Trao đổi hai vấn đề: Thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc - Bộ trưởng nhìn nhận, hai vấn đề này khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Về việc thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung. Con số này lên đến 107.000 và có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc. Con số này cần tính toán để đảm bảo vừa duy trì hoạt động dạy - học bình thường và hơn thế. Con số này cũng cần tính toán để thực hiện các mục tiêu đổi mới, với mục tiêu nâng cao chất lượng bởi ba yếu tố nâng cao chất lượng là giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình phương pháp.

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng trao đổi: Có thể nói, thiếu giáo viên, nhiều năm trước đã thiếu. Do số lượng bỏ việc, giảm biên, do nhiều năm không tuyển, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết. Thiếu cũng do tăng dân số tự nhiên.

Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ nhích thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Cũng theo Bộ trưởng, thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số. Một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Thiếu giáo viên do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục phải đóng cửa với số lượng lớn.

Thiếu giáo viên còn do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi. Thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày. Thiếu do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp. Để đảm bảo chuẩn là 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học. Chuẩn này đã được xác định từ năm 2010 và đến năm 2019, trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường trung học đã nhắc lại.

Có thể nói, muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp. Nếu số lượng học sinh/lớp mà 60 - 65, thậm chí hơn thế thì rất khó để nâng cao chất lượng dạy và học.

Thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân khác như: Một thời gian dài không tuyển, không tuyển được, nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác, còn vấn đề thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các ngành khác.

Thiếu giáo viên do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông, nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như: Môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc.

Toàn cảnh phiên thảo luận - chiều 27/10.

Toàn cảnh phiên thảo luận - chiều 27/10.

Tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.

Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng. Đề nghị các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.

Trong số 65.000 chỉ tiêu, tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng cũng mong ngành Nội vụ phối hợp với ngành Giáo dục để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và năm 2024. Bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Nếu như sau năm 2024, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, việc dồn vào tuyển dụng cũng sẽ dẫn đến những khó khăn khác như: Nguồn tuyển và tăng chỉ tiêu đào tạo. Các địa phương cần tuyển ngay, tránh tình trạng để dồn 2 - 3 năm mới tuyển.

Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên. Chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.

Đặc biệt giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. Bộ trưởng đề nghị, Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%.

Tốt nhất là tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở. “Về phía ngành Giáo dục, chúng tôi kiến nghị và rất mong muốn tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non” – Bộ trưởng phát biểu.

Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Số này cân nhắc điều chỉnh ở tỷ lệ là giáo viên. Các địa phương đề nghị cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng đảm bảo việc tuyển dụng công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên. Nếu phát sinh vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều hết sức lưu ý, đề phòng.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế. Hiện còn thiếu căn cứ pháp lý cho việc này. Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành để có cơ chế cho các địa phương thực hiện nội dung này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.