Xây dựng cơ chế thông tin hiệu quả

GD&TĐ - Chuyện “bóc phốt” giáo viên đã và đang có xu hướng rộ lên trong những năm gần đây, khi mạng xã hội ngày càng phát triển.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia hội thi nghiệp vụ, xử lý tình huống sư phạm. Ảnh minh họa: Sỹ Điền.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tham gia hội thi nghiệp vụ, xử lý tình huống sư phạm. Ảnh minh họa: Sỹ Điền.

Đôi khi, không phải là hành vi vi phạm, mà chỉ cần cách ứng xử thiếu khéo léo một chút là thầy cô đã bị tố, và mạng xã hội dậy sóng với những bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý.

Cách đây ít lâu, một phụ huynh Trường Tiểu học Gia Lương (Gia Lộc, Hải Dương) đã đăng đàn tố giáo viên chủ nhiệm vì con không có suất gà rán riêng, chỉ được ăn bánh kẹo cùng bạn trong buổi liên hoan với cả lớp. Chưa rõ nguồn cơn đúng sai ra sao, cộng đồng mạng đã sục sôi những lời không hay dành cho cô. Gần đây, chị gái một nam sinh ở TPHCM vì bức xúc việc giảng viên Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic không cho điểm bài tập của em mình (em này sử dụng AI để hoàn thiện bài), đã có lời khó nghe trên mạng xã hội và truyền thông. Sự việc sau đó được người chị thừa nhận sai, có lời xin lỗi, nhưng tổn thương của người thầy thì khó phai được.

Thực tế cho thấy, việc đăng tải hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng, chưa biết đúng sai ra sao về nhà giáo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của thầy cô và cả uy tín nhà trường. Cô Vũ Thị Hoài Thanh - giáo viên luyện Văn có tiếng ở Hà Nội từng bị bóc phốt cho biết đã stress nặng, áp lực đến nỗi nhiều đêm không thể chợp mắt. Cô L. - giáo viên ở Trường Mầm non H.N.H. (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: Không phải lúc nào giáo viên cũng đúng và không phải lúc nào những ý kiến từ phụ huynh cũng đúng. Nhưng cô sợ nhất khi phụ huynh chưa tìm hiểu đúng sai, chỉ nhìn camera hoặc nghe con về kể chuyện đã vội vàng đăng các bài viết trên Facebook. Như vậy, phụ huynh không cho giáo viên cơ hội được giải thích.

Ngoài truyền đạt kiến thức, chuyên môn người thầy còn phải làm gương cho học sinh, sinh viên. Vì thế, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của nhà giáo không chỉ đảm bảo cho người thầy hoạt động nghiệp vụ tốt, mà còn góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, phù hợp với truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo được Bộ GD&ĐT đưa ra mới đây là không được công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Nếu quy định phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật này được thông qua, hiện tượng “bóc phốt” nhà giáo trên mạng sẽ giảm.

Tuy vậy, để hạn chế việc “bóc phốt” thầy cô, bài thuốc quan trọng nhất vẫn là xây dựng tốt cơ chế thông tin và sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường và gia đình, giáo viên và cha mẹ học sinh. Người mẹ trong vụ việc gà rán ở Hải Dương hay người chị trong vụ Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic hoàn toàn có thể làm việc với giáo viên, ban giám hiệu, thậm chí với cấp quản lý cao hơn để tìm phương án xử lý phù hợp, thay vì “bóc phốt” lên mạng để dư luận mổ xẻ, khiến các bên đều tổn thương. Việc họ chọn mạng xã hội, ngoài yếu tố nhận thức cá nhân, có lẽ còn do cơ chế trao đổi thông tin giữa các bên chưa thực sự tốt.

Làm tốt việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh từ phụ huynh và học sinh, nhà trường sẽ nhận được sự tin tưởng, từ đó, việc “bóc phốt” giáo viên tự động giảm. Hiện nay, để phù hợp với bối cảnh giao tiếp công nghệ, một số trường đã thêm một kênh góp ý trực tuyến để học sinh, phụ huynh gửi phản ánh về giáo viên và các vấn đề liên quan việc học tới ban giám hiệu. Kênh này cho phép người gửi ẩn danh. Khi phụ huynh và người học cảm thấy những phản ánh của mình được giải quyết nhanh và triệt để, bước tìm tới mạng xã hội để phản ánh sẽ được hạn chế. Đây là cách làm hay cần nhân rộng, không chỉ bảo vệ nhà giáo khỏi áp lực từ mạng xã hội, mà còn góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...