Nâng cao vị thế ngành Giáo dục và nhà giáo
Ngày 22/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất bổ sung Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đây là tin vui đối với nhiều cán bộ quản lý ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo.
Nhiều nhà giáo tin tưởng, khi Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo; giúp nâng cao tính chủ động của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đồng thời nâng cao vị thế của ngành Giáo dục và của nhà giáo.
Theo dõi sát sao Dự thảo Luật Nhà giáo, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) cho biết: Dự thảo Luật Nhà giáo đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo và tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Dự thảo luật đã định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trường dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác.
Dự thảo luật cũng tạo được hành lang pháp lý để bảo vệ nhà giáo khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Dự thảo luật quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến nhà giáo cùng với các quy định về xử lý vi phạm với các hành vi bị nghiêm cấm.
Đặc biệt, chứng chỉ hành nghề là một trong những điểm mới đáng lưu ý trong dự thảo luật. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. Nội dung này nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn, bối cảnh mới.
Theo đó, 1,6 triệu nhà giáo đã được tuyển dụng vào ngành trước khi luật có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề mà không cần đánh giá sát hạch.
Quan tâm Dự thảo Luật nhà giáo từ khi mới ban hành, thầy Trần Tuấn Thành, giáo viên Trường THPT Vĩnh Hải (Sóc Trăng) cho biết: Dự thảo luật cũng quy định đầy đủ và thống nhất về tuyển dụng nhà giáo, trong đó đổi mới quy định về phương thức, nội dung tuyển dụng phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo để đảm bảo tuyển dụng được người giỏi vào ngành.
Dự thảo luật đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải đảm bảo không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Quy định nêu trên cùng với một số chế tài nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập.
Cô, trò Trường TH Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trong hoạt động vui xuân. |
Huy động trí tuệ tập thể
Dự thảo Luật Nhà giáo thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội, trong đó có đông đảo đội ngũ nhà giáo. Bên cạnh công tác nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ, ngành Giáo dục các địa phương cũng tăng cường huy động trí tuệ tập thể đóng góp Dự thảo luật.
Tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến nhà giáo đối với các nội dung chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo. Bên cạnh hội thảo trực tiếp, ngành Giáo dục tỉnh còn tổ chức hội nghị trực tuyến để trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến dự thảo Luật.
Sở GD&ĐT làm nòng cốt, làm rõ sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo, đồng thời yêu cầu cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục tỉnh nêu cao tinh thần và trách nhiệm; góp ý xây dựng Luật Nhà giáo phù hợp với thực tiễn. Đội ngũ nhà giáo thực hiện phiếu khảo sát với hệ thống câu hỏi trên hệ thống thông tin quản lý đào tạo và bồi dưỡng (TEMIS).
Đây chính là cơ sở thực tiễn để đánh giá chính xác thực trạng và đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện Luật Nhà giáo.
Theo đại diện Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT Vĩnh Long), các nội dung về chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo; sự thống nhất quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo; chế độ tiền lương nhà giáo; hình thức tuyển dụng nhà giáo… nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Sau mỗi câu hỏi khảo sát luôn có phần ý kiến khác để các nhà giáo có cơ hội nêu lên những tâm tư nguyện vọng và lựa chọn khác của bản thân cho phù hợp với thực tiễn nơi mình công tác.
Chia sẻ về sự cần thiết của Luật Nhà giáo, thầy Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Việc xây dựng Luật Nhà giáo là thực sự cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho ngành, cho đất nước.
Ngành Giáo dục xác định, nhà giáo là yếu tố nền tảng, cốt lõi; muốn thay đổi giáo dục, yếu tố đột phá chính là đội ngũ. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo cần làm sao có đủ yếu tố mới, mạnh mẽ trong đề xuất, vì sự phát triển của lực lượng nhà giáo cho cả hiện tại và tương lai.
Xây dựng dự án Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ nét hơn nữa quan điểm phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo. Đối với vấn đề đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần thể chế hóa chủ trương “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp” một cách bền vững. - Nhà giáo Lê Xuân Bột.