Đòi hỏi từ thực tế
Từ điều tra của nhóm giáo viên cho thấy, phần lớn cán bộ giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của KNS và giáo dục KNS cho học sinh, tuy nhiên công tác giáo dục KNS nhiều khi còn mang tính lý thuyết, hình thức, chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả của nó. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều giáo viên chỉ tập trung cho chuyên môn, giảng dạy, thu hút học sinh đến trường đã quá tải về công việc nên ít quan tâm đến việc tìm tòi các phương pháp hình thức giáo dục KNS thu hút được sự quan tâm, hứng thú của các em.
Để bắt tay thực hiện những giải pháp “Nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình giáo dục KNS phù hợp cho học sinh tỉnh Hà Giang”, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm hàng loạt các tài liệu về sách báo, tạp chí, luận án về giáo dục giá trị sống và KNS bằng tiếng Anh và tiếng Việt; Các tài liệu về phương pháp dạy học tích cực, dạy học tích hợp, hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… đã được nhóm sưu tầm phục vụ nghiên cứu.
Cùng đó, nhóm điều tra thực trạng giáo dục KNS ở một số trường trung học trên địa bàn tỉnh Hà Giang thông qua khảo sát trên 150 cán bộ quản lý, giáo viên và 735 học sinh của 3 trường THCS, 3 trường THPT thuộc huyện vùng cao, vùng sâu và khu vực thành phố Hà Giang. Từ đó đã có được khảo sát đánh giá về thực trạng giáo dục KNS và giáo dục giá trị sống cho học sinh THCS, THPT của tỉnh.
Triển khai đồng loạt nhiều giải pháp
Và để thực nghiệm các nội dung GDKNS, 2 mô hình điển hình giáo dục KNS cho học sinh cấp trung học đã được xây dựng. Tại các trường này đã tổ chức tập huấn 12 buổi giáo dục KNS cho 100 giáo viên; Mời chuyên gia tổ chức tọa đàm khoa học, hướng dẫn GD KNS cho giáo viên và giáo dục KNS cho học sinh toàn trường; tổ chức thực nghiệm sư phạm tích hợp giáo dục KNS vào các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Cụ thể như đã tích hợp GDKNS tích hợp vào các môn học. Thông qua dạy học các môn học chiếm ưu thế như môn Ngữ văn, Sinh học, GDCD, Địa lý… để tích hợp các nội dung giáo dục giá trị sống, KNS cho học sinh các giá trị về bản thân, cộng đồng, giá trị truyền thống, hiện đại, giá trị cá nhân – gia đình… Làm cho việc GDKNS cho học sinh trở nên mềm mại, tự nhiên, giúp cho học sinh hình thành và phát triển KNS một cách hiệu quả, thiết thực với đời sống tâm lý và hoạt động học tập, sinh hoạt của HS.
Việc tích hợp GDKNS cho học sinh thông qua các tiết sinh hoạt lớp, chào cờ, tổ chức các ngày lễ trong năm học cũng được chọn như một giải pháp. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng và tổ chức tích hợp kĩ năng sống vào các chủ đề tình bạn, tình yêu, truyền thống dân tộc, phong tục tập quán lạc hậu cần loại bỏ, quan niệm về nghề nghiệp tương lai; giáo dục các kĩ năng phòng chống lạm dụng tình dục ở trẻ em, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên và các kĩ năng đặc thù của địa phương...
Sau gần 1 năm triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự phản hồi tốt từ phía lãnh đạo Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương, BGH các trường, các thầy cô giáo, các em học sinh và cha mẹ học sinh.
Dự kiến khi hoàn thành nhóm sẽ xây dựng được các sản phẩm: Các chuyên để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học tỉnh Hà Giang; 02 cuốn tài liệu về nội dung chương trình giáo dục KNS phù hợp với học sinh TH tỉnh/ 20 mô đum hướng dẫn giáo dục KNS cho học sinh THCS và THPT tỉnh Hà Giang và kết quả xây dựng mô hình điển hình giáo dục KNS cho học sinh TH tỉnh: 80% học sinh biết vận dụng tốt những kĩ năng sống cần thiết vào học tập và cuộc sống; 20% biết vận dụng những kĩ năng sống cần thiết vào học tập và cuộc sống…