Mong xã hội chung tay làm đẹp môi trường giáo dục

GD&TĐ - Trước một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong trường học thời gian gần đây, gây tác động xấu tới môi trường giáo dục, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mong muốn sự chung tay của chính quyền các địa phương, cơ quan giáo dục các cấp và cả cha mẹ học sinh.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Trần Kim Tự cho biết:

Đúng là thời gian vừa qua, tình trạng mất an ninh, an toàn trường học như xảy ra tại một số địa phương; hiện tượng nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực mà mới đây nhất là việc cô giáo phạt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng. Đó là hành vi phản sư phạm, làm tổn thương rất lớn đến nghề giáo.

Bên cạnh đó là một số hiện tượng nhà giáo bị xúc phạm đến danh dự, tinh thần, thể chất: phụ huynh bắt giáo viên quỳ để trả đũa, phụ huynh đấm gẫy mũi giáo viên… cũng làm tổn thương rất lớn đến ngành Giáo dục, gây tác động xấu tới môi trường giáo dục. Những sự việc này, Bộ GD&ĐT đều nhanh chóng vào cuộc.

Gần đây nhất là việc xảy ra tại Trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã sớm có văn bản gửi Sở GD&ĐT Hải Phòng, yêu cầu Sở chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng này. Đồng thời, phát biểu của Cục trưởng Hoàng Đức Minh trên báo chí cũng thể hiện rõ sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, cũng như những việc Bộ GD&ĐT đã làm để nâng cao chất lượng nhà giáo.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát nghiêm túc những quy định cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng để hạn chế thấp nhất những tình huống đáng tiếc nêu trên xảy ra, ổn định tâm lý người dạy và người học.

Chúng tôi cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ của UBND thành phố Hải Phòng, Sở GD&ĐT Hải Phòng, UBND huyện An Dương, xử lý nghiêm sự việc, thể hiện tính nghiêm túc, kỷ cương trong toàn ngành, đồng thời chấn an dư luận, động viên tinh thần học sinh, nhanh chóng ổn định tình hình, nền nếp học tập trong nhà trường.

“Với góc độ cơ quan quản lý giáo dục, trước những sự việc liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, ngoài việc nhanh chóng, kịp thời phối hợp xử lý theo đúng quy định, chúng tôi đồng thời cũng suy nghĩ nghiêm túc về một số vấn đề như: công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và quản lý” – ông Trần Kim Tự chia sẻ thêm.

Theo đó, vấn đề được Phó Cục trưởng đặt ra là: Công tác đào tạo đã thực sự cho ra những thầy cô đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng có những đòi hỏi mới hay chưa? Công tác tuyển dụng có đủ độ sàng lọc để người được chọn là người thực sự có trình độ chuyên môn, nhiệp vụ, kĩ năng sư phạm tốt? Việc sử dụng, quản lý - các cấp quản lý đã vào cuộc theo dõi hàng ngày, đánh giá tình hình để xem xét, dự báo những tình huống có thể xảy ra trong trường học?...

Bởi vậy, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát nghiêm túc những quy định cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng để hạn chế thấp nhất những tình huống đáng tiếc nêu trên xảy ra, ổn định tâm lý người dạy và người học.

Mới đây nhất, ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn số 1295/BGDĐT-GDCTHSSV về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và tiếp tục chỉ đạo các Sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghị định này ở các địa phương và các cơ sở giáo dục.

Liên quan đến bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt về kĩ năng sư phạm để giúp thầy cô xử lý tình huống hiệu quả và không vi phạm vào nguyên tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp, ông Trần Kim Tự cho biết:

Hiện Bộ GD&ĐT đã xây dựng các chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên các phương pháp, kỹ thuật tổ chức, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh… Các quy định về tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp của giáo viên cũng đã được ban hành. Chương trình đào tạo trong trường sư phạm cũng chú trọng hơn đến các nội dung về nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.

“Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương cũng như toàn xã hội, đặc biệt là cha mẹ học sinh để có thể hạn chế thấp nhất những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cần luôn luôn trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp để không vi phạm các qui định của ngành, cũng như các qui định khác của pháp luật” – ông Trần Kim Tự cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.