Động lực để nhà giáo cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người

GD&TĐ - Vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2017 với chủ đề trọng tâm là nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục. 

Động lực để nhà giáo cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, lãnh đạo các đơn vị chức năng của hai Bộ, đại diện Viện Konrad-Adenauer tại Việt Nam cùng các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Một dự luật hết sức quan trọng đối với đời sống xã hội

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Căn cứ chương trình phối hợp giai đoạn 2015 - 2020, đầu năm hai Bộ ban hành kế hoạch phối hợp công tác pháp chế và tổ chức hội nghị đánh giá vào dịp cuối năm.

Năm nay, với mục đích tổ chức hội nghị một cách thiết thực hiệu quả hơn, lãnh đạo hai Bộ đã quyết định tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ năm 2017, kết hợp với việc đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.

Đây là một luật hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với đời sống xã hội được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức hội nghị này là một cách làm mới thể hiện quyết tâm trong quan hệ hợp tác của hai Bộ ngày càng đi vào thực chất hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Dự thảo Luật Giáo dục là sản phẩm, kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ trong nội dung công tác xây dựng pháp luật và là 1 trong 8 nội dung chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp trong giai đoạn 2015 - 2020 và kế hoạch phối hợp công tác pháp chế của 2 Bộ trong năm 2017.

Trong khuôn khổ chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp, hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa hai Bộ trong năm 2017 được tổ chức nhằm hoàn thiện pháp luật về GD, trong đó nội dung cốt lõi chính là góp ý Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng được tổ chức trong tháng 11 và tháng 12 để lấy ý kiến của các vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo, các nhà quản lý nhằm thực hiện đúng quy trình tổ chức soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, ông Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc đánh giá, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với quốc sách hàng đầu của giáo dục.

Chúng tôi bày tỏ vui mừng luật đề cập đến cách tính lương cho nhà giáo, nếu được theo quy định này là động lực, động viên cho các thầy cô giáo yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, cần đánh giá đến tính khả thi của chính sách cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông cũng đề xuất, tại điều 61 của Hiến pháp 2013 hiện nay đã quy định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục miền núi hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Đối chiếu với dự thảo, điều 13 Luật Giáo dục nên chỉnh lý để phù hợp với quy định của Hiến pháp và luật hiện hành.

Nâng chuẩn giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới

Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam nhận xét, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục lần thứ 2 là công trình có sự tập trung trí tuệ cao, đã phản ánh hơi thở cuộc sống, mong mỏi của thực tiễn đời sống.

“Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với quan điểm sửa đổi lần này. Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục lần này đề cập đến 4 vấn đề lớn, trong đó có những vấn đề như sửa đổi bổ sung hệ thống luật GD quốc dân theo hướng mở, linh hoạt liên thông giữa các cấp học theo trình độ đào tạo, sửa đổi bổ sung về GDTX, GDPT, bổ sung một số quy định về thể chế, chính sách, sửa đổi một số điều về kỹ thuật… Trong số đó, chúng tôi rất vui mừng là vấn đề nâng chuẩn của giáo viên tiểu học” - ông Nguyễn Quang Long nêu rõ.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam, toàn tỉnh hiện có 2.858 giáo viên tiểu học, kể cả hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, nhưng trong đó có 62 giáo viên có trình độ trung cấp. Tỉ lệ trên chuẩn đào tạo là 97,8%, cá biệt có đơn vị tỉ lệ trên chuẩn là 99,9%. Việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên CĐ trong tương lai sẽ đáp ứng tốt.

Đối với lương giáo viên, được xếp hạng cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp, đây là điều cơ sở rất chờ đợi, như luồng gió mới thổi vào trong đời sống của cán bộ giáo viên trong tất cả các cơ sở GD.

Dự Luật sửa đổi lần này đề nghị đối tượng không phải nộp học phí, đó là đối tượng HS THCS, THPT, nên mở rộng hơn đối tượng không phải đóng học phí, cụ thể là đến đối tượng trẻ mầm non, nếu không ít nhất là trẻ trong diện được phổ cập. Dự thảo sửa đổi lần này có quy định trách nhiệm của UBND các cấp phải chịu trách nhiệm GD ở địa phương, điều này là phù hợp và đã được nêu ra trong hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm học. Bên cạnh đó Luật bổ sung công tác kiểm định chất lượng nước ngoài, đáp ứng các yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cũng đồng tình và nhất trí cao với bản dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD. Ông cho biết: Tại địa phương, không khí rất phấn khởi và kỳ vọng với sự sửa đổi luật lần này. Ông Dũng cũng cho rằng, vấn đề học phí nên được mở rộng hơn đến đối tượng trẻ mầm non. Ông đề xuất cần đảm bảo công bằng cho học sinh công lập và tư thục.

Một vấn đề nữa cần quan tâm đến chính sách cho các nhà giáo sau khi về công tác tại các Phòng GD&ĐT, họ là những giáo viên có phẩm chất năng lực, nhưng về công tác tại các Phòng, Sở GD&ĐT, họ mất thâm niên và phụ cấp đứng lớp nên hầu hết đều không mặn mà. Có nhiều nhà giáo ưu tú khi về làm chuyên viên ở Sở không còn chế độ. Vì thế cần quan tâm đến chính sách cho các cán bộ quản lý giáo dục.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi một số điều và nội dung của Luật Giáo dục. Các ý kiến đều tập trung 3 vấn đề cơ bản là lương, chính sách, học phí của học sinh. Cơ bản các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, tập trung cơ bản và thống nhất cao, nhiều ý kiến đề xuất như miễn học phí cho đối tượng mầm non, chính sách nhà giáo, nâng chuẩn giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực người học, các hoạt động phân luồng, hướng nghiệp…

Những ý kiến cung cấp thêm cho Bộ GD&ĐT, cho Ban soạn thảo những thông tin, những cách nhìn thực tế để từ đó xem xét, cân nhắc và có những điều chỉnh cần thiết đảm bảo cho dự án Luật mang tính cụ thể phù hợp sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ