Vị tổ trung hưng của dân tộc Việt
Sử sách viết về Ngô Quyền không nhiều. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, có ghi lại ý kiến phẩm bình của sử gia Lê Văn Hưu (thời Trần) như sau: “Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.
Còn sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá: “Tiền Ngô vương nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương”.
Đánh giá về sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa vào mùa Xuân năm 939, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) nhận định: Sự kiện Ngô Quyền dựng nước, xưng vương, định đô ở Cổ Loa có ý nghĩa tiếp nối truyền thống An Dương Vương, phục hồi lại quốc thống..., đã tạo ra những bước bản lề cho xã hội Việt Nam thế kỷ X, đóng góp to lớn vào tiến trình lịch sử dân tộc, xứng là vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam. Việc đánh giá Ngô Quyền là vị tổ trung hưng đất nước cũng đã được chí sĩ Phan Bội Châu đề cập: Ngô Quyền là vị tổ trung hưng nước ta.
Đề xuất dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa
Một vấn đề nổi bật tại hội thảo được TS Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội) và ThS Phùng Văn Quỳnh nêu là “Cần sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa”. Theo TS Nguyễn Văn Sơn, vương triều Ngô được thành lập và tồn tại trong thời gian khá ngắn (939 - 965). Ngô Quyền tại vị khoảng 6 năm (939 - 944) nên có lẽ vì lý do đó mà các vua triều Ngô chưa để lại dấu ấn lớn ở Cổ Loa. Tuy nhiên, những tư liệu dân gian và đặc biệt là đôi câu đối tại khu di tích Cổ Loa cho thấy rõ, nơi đây là nơi đóng đô của Ngô Quyền. Trong khi TP Hải Phòng có mấy chục đền thờ Ngô Quyền thì ở Hà Nội, ngoài Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) không có đền thờ Ngô Quyền.
Ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trình bày tham luận bằng hình ảnh 3D dự kiến sẽ xây dựng khu tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa trong diện tích 2.700 m2. Trước mặt khu tưởng niệm là hồ nước có nhà thủy đình thường biểu diễn múa rối nước của phường rối Đào Thục. Theo ông Trần Việt Anh, ngày 3/7/2015, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2.000). Tại quyết định này đã đề cập đến việc “bổ sung di tích tưởng niệm Ngô Quyền” tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Phản biện lại, KTS Đào Ngọc Nghiêm tán đồng việc cần thiết xây dựng khu tưởng niệm Ngô Quyền tại Cổ Loa. Tuy nhiên, lưu ý về vị trí mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã hợp lý chưa? Kiến trúc đã nghiên cứu xem có hài hòa với cảnh quan và kiến trúc xung quanh chưa?
Một vấn đề nữa được đề cập đến tại hội thảo là vị trí bãi cọc trận địa Bạch Đằng của Ngô Quyền ở đâu? Có ý kiến cho rằng, trận chiến ở cửa sông Bạch Đằng, nơi có đảo Vũ Yên. Tại triển lãm trưng bày tại hội thảo cũng vẽ sơ đồ này. Tuy nhiên, đến nay chưa có khảo cổ học nào chứng minh.
PGS.TS Lê Đình Sỹ (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) tại tham luận của mình nêu rõ, Ngô Quyền xác định mưu lược đánh giặc trên cơ sở phân tích chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch. Trận địa cọc ngầm là nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng. Đây cũng là trận đánh biết lợi dụng con nước thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Nó là di sản để lại cho thế hệ sau về nghệ thuật đánh giặc của cha ông, luôn có giá trị thực tiễn trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc Việt Nam.